Xã hội

Hình thành, củng cố ý thức thượng tôn pháp luật

Tuấn Minh 09/11/2023 - 05:54

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành năm 2013 và đây cũng là năm đầu tiên ngày 9-11 trở thành Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc.

Trong ngày này, nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực đã được các cấp, ngành, đoàn thể tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; tuyên truyền nhằm hình thành ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân.

Sự kiện hệ trọng của đời sống chính trị - pháp lý

Ngày 9-11-1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I thông qua.

Sự kiện này mở ra một nền lập pháp Việt Nam thời đại mới, phản ánh cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới là quản lý xã hội bằng pháp luật. Trên cơ sở đó tạo nền tảng để từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 2013 là năm đầu tiên Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên ngày 9-11 trở thành Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

ngay-phap-luat.jpg
Một tiết mục tham dự Hội thi “Nữ tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông”, tháng 11-2023.

Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật. Đồng thời là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.

Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.

Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút được đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật trên sóng phát thanh - truyền hình, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội… đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.

Có thể khẳng định, trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác phổ biến pháp luật. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết.

Để Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 thực sự đi vào cuộc sống, trước hết cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân trong thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, cần tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong 3 đột phá chiến lược bởi đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển. Xây dựng pháp luật phải gắn kết chặt chẽ với tổ chức thi hành pháp luật, thực sự là hai mặt của một quá trình thống nhất. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

Đặc biệt, muốn đưa pháp luật vào cuộc sống thì ngay từ khi xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp, phải “đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật”. Đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn lực, các điều kiện cần thiết tương xứng, tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác pháp chế, tư pháp, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật với phương châm “người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng”, theo hướng truyền thông chính thống có nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt dư luận, nhất là giới trẻ. Đây là giải pháp quan trọng thu hút sự quan tâm của nhân dân, trước hết là các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách. Phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành chính sách pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.

Cùng với đó, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật, nhất là chấp hành pháp luật. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, công khai, minh bạch.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11, mỗi chúng ta, bằng hành động cụ thể, thiết thực, hãy chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội. Việc xây dựng, phổ biến, thực thi, giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ biến những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hình thành, củng cố ý thức thượng tôn pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.