Công an thành phố Hà Nội đang ra quân xử lý đồng loạt các hành vi vi phạm an toàn giao thông, trong đó quan tâm xử lý người đi bộ đi không đúng phần đường quy định. Đây được cho là biện pháp cứng rắn để ngăn chặn thói quen đi lại tùy tiện của người đi bộ.
Đi bộ cũng phải đúng luật
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đơn vị đang quản lý 75 cầu đường bộ (tổng chiều dài 3.742,67m) và 39 hầm đi bộ (tổng chiều dài 2.572,49m). Đây là những lối đi an toàn dành cho người đi bộ sang đường, tách biệt khỏi các dòng phương tiện tham gia giao thông trên đường phố, nhất là những khu vực có mật độ giao thông lớn. Tuy nhiên, nhiều người đi bộ đã không chọn lối đi này mà tùy tiện sang đường ở bất cứ vị trí nào gần nhất. Vi phạm diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, không phân biệt độ tuổi người đi bộ, nhưng phổ biến là người trẻ tuổi bởi họ tự tin về khả năng quan sát và di chuyển nhanh nhạy vượt qua dòng xe cộ.
Điển hình như khu vực Ngã Tư Sở, mặc dù nơi đây đã có hệ thống hầm đường bộ từ hơn chục năm nay, nhưng chỉ thấy người lớn tuổi và trẻ em chịu khó đi xuống hầm, còn người trẻ tuổi vô tư băng qua đường tại bất cứ vị trí nào muốn đến.
Trên tuyến đường Nguyễn Trãi, tình trạng người đi bộ sang đường không đúng quy định diễn ra phổ biến ở đoạn gần khu vực Royal City do nơi đây có lượng khách đến tham quan, vui chơi giải trí hằng ngày lớn. Ngoài ra, còn có số lượng lớn người dân ở các khu tập thể hai bên đường đi lại vì nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.
Mặc dù cầu vượt cho người đi bộ qua đường Nguyễn Trãi đặt ở vị trí trước cổng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để phục vụ việc đi lại của đông đảo sinh viên cũng như người dân lân cận, nhưng chỉ cần cách đó 200m - 300m là người dân đã ngại đi lên cầu mà sẵn sàng băng qua đường. Anh Nguyễn Trường Sơn (ngõ 328 Nguyễn Trãi) cho biết: "Vòng lên, vòng xuống 2 bên đầu cầu cũng mất thời gian đáng kể, nên tôi quan sát lúc nào đường vắng thì băng sang đường cho nhanh".
Tuyến phố Trần Phú (Hà Đông) cũng không hiếm người đi bộ sang đường không đúng quy định, mặc dù ngoài một số cầu đường bộ còn có cả hệ thống nhà ga đường sắt trên cao như ga Phùng Khoang, ga Văn Quán... cũng là nơi người đi bộ có thể sang đường an toàn.
Các tuyến đường khác có hệ thống cầu, hầm đi bộ như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Mai Dịch... cũng thường xuyên xảy ra tình trạng người đi bộ không đúng phần đường quy định, đặc biệt là tại các khu vực trước trường đại học, trụ sở cơ quan, văn phòng, khu vực tập trung đông dân cư, chợ dân sinh...
Lực lượng cảnh sát giao thông đã cắm chốt tại những “điểm nóng” này để xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Trực tiếp làm nhiệm vụ ở khu vực đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) đoạn từ ngã tư Hồ Tùng Mậu đến ngã tư Trần Thái Tông, Thượng úy Trịnh Văn Dương, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết: Khu vực này có 2 cầu vượt bộ hành kèm lối lên xuống khá thuận tiện, gần điểm chờ xe buýt và cổng trường học. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua đường. Khu vực trên lại là điểm giao thông phức tạp, lưu lượng xe cộ lớn, tập trung nhiều trường đại học và là công trường đang thi công dự án cầu vượt thép nên việc người đi bộ cắt ngang đường gây nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng trật tự, an toàn giao thông.
Nâng cao ý thức kèm đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của người dân
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đơn vị đang đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận bổ sung tổng số 21 vị trí cầu đi bộ tại các vị trí đông dân cư, trường học, có lưu lượng người băng cắt ngang đường lớn như: Trước cổng Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa), phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy), phố Châu Văn Liêm (quận Nam Từ Liêm), phố Đỗ Nhuận (quận Bắc Từ Liêm), Quốc lộ 32 (huyện Hoài Đức), đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng)... để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Để người đi bộ nâng cao ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, trong năm 2023, Sở Giao thông Vận tải với vai trò là cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã triển khai các nội dung tuyên tuyền, hướng dẫn người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt với đối tượng tham gia giao thông là người đi bộ. Nổi bật trong đó là phối hợp với ủy ban nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tổ chức 21 hội nghị và 9 cuộc trưng bày ảnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông, thu hút trên 24.000 lượt người tham gia.
Trung tá Đào Việt Long, Phó Phòng Cảnh sát giao thông cũng cho biết, đơn vị đã giao Đội Cảnh sát giao thông số 6 ra quân xử lý nghiêm, chấm dứt tình trạng người dân tùy tiện đi bộ qua đường, không sử dụng cầu, hầm đi bộ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Bên cạnh việc xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không tái phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.