Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa một nét đẹp

Chí Kiên| 17/04/2022 06:11

(HNM) - Phải khẳng định, những năm gần đây, phong trào đọc sách ngày càng phát triển sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, môi trường đọc sách tiếp tục được rộng mở, giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng tri thức từ sách hiệu quả hơn. Bên cạnh hệ thống thư viện từ trung ương đến địa phương và trong các cơ sở giáo dục, người dân còn được tiếp cận sách qua các trung tâm học tập cộng đồng, tủ sách nhà văn hóa và không gian internet…

Song song, nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc được tổ chức sôi nổi, hiệu quả. Trong đó, phải kể đến việc hình thành những phố sách; cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; luân chuyển sách, tặng sách và triển khai thư viện lưu động đến vùng sâu, vùng xa; triển lãm, hội chợ sách và giải thưởng về sách…

Đáng chú ý, ngoài tạo dựng môi trường đọc sách thuận lợi, lĩnh vực xuất bản sách cũng có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức và công tác phát hành, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Các ấn phẩm sách không chỉ được giới thiệu trực tiếp, xuất bản bản giấy mà đã phát hành trên môi trường trực tuyến hoặc qua các ứng dụng kỹ thuật số.

Môi trường đọc sách mở rộng, cách tiếp cận đa dạng, sách đang cho thấy vai trò rất lớn trong đời sống đương đại; đồng thời khẳng định việc tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập là nét đẹp trong đời sống xã hội.

Với ý nghĩa đó, năm nay, sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức (thay thế cho Ngày sách Việt Nam đã được tổ chức trước đó) sẽ tiếp tục là động lực cho việc khuyến đọc, khơi nguồn các hoạt động ý nghĩa về sách.

Kinh nghiệm cho thấy, sách chỉ “sống” được khi văn hóa đọc phát triển mạnh. Do đó, không riêng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, mà các sự kiện liên quan đến xuất bản sách và phát triển văn hóa đọc đều phải lấy người đọc làm trung tâm phục vụ, mở rộng văn hóa đọc làm mục tiêu, qua đó từng bước xây dựng và hình thành thói quen đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân. Thực tế, để có được thói quen đọc và tình yêu với sách không phải dễ mà đó là quá trình lâu dài, cần có sự rèn luyện. Điều quan trọng là phải tạo dựng môi trường đọc thuận lợi từ trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức… Mỗi người cần ý thức được việc đọc sách như “cơm ăn, nước uống” hằng ngày. Phải xem đọc sách là thói quen tốt và hình thành cho từng người ngay từ khi còn nhỏ. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nghiên cứu, giáo dục và hình thành nhân cách con người, với đời sống xã hội...

Xuất bản sách và phát triển văn hóa đọc cũng không thể thiếu được vai trò của người sáng tác, những người làm trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân liên quan. Những đóng góp của họ dù khác nhau nhưng rất quan trọng bởi khi hợp sức lại sẽ góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng một cách bền vững.

Với các cơ quan chức năng và địa phương, thông qua những sự kiện như Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, sẽ nâng cao trách nhiệm, thấy được vai trò của mình trong việc tạo dựng môi trường đọc sách thuận lợi cho người dân.

Cùng với những hoạt động ý nghĩa, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất là sự kiện tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; đồng thời khơi nguồn, lan tỏa nét đẹp của văn hóa đọc sách trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa một nét đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.