Ngày 23 và 24-10, lần đầu tiên Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN) biểu diễn tại hai nhà hát hàng đầu của Mỹ là Carnegie Hall (New York) và Symphony Hall (Boston).
Một chuyến lưu diễn mang nhiều sứ mệnh như Phó Giám đốc DNGHVN, Trưởng đoàn nghệ sĩ lưu diễn tại Mỹ Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: Nhiệm vụ của chúng tôi là giới thiệu với công chúng Mỹ và quốc tế một hình ảnh Việt Nam đổi mới có nhiều thành tựu trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật đỉnh cao. Chúng tôi cũng mong muốn kết nối với các nền văn hóa, mở rộng vòng tay bè bạn và qua âm nhạc để nói lên ước nguyện hòa bình của người Việt Nam.
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn tại New York.
Chính vì thế, dàn nhạc đã lựa chọn một chương trình có sự hòa trộn tinh tế giữa âm nhạc độc đáo của Việt Nam với thành tựu đỉnh cao của âm nhạc phương Tây. Bản hòa tấu "Thăng Long" cho violon và dàn nhạc giao hưởng của "cây đại thụ" trong nền khí nhạc Việt Nam - Đàm Linh sẽ là tiết mục nổi bật trong chương trình. Cố nhạc sĩ Đàm Linh viết tác phẩm này năm 1996 và đến năm 2000, "Thăng Long" lần đầu tiên được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội do chính tác giả chỉ huy cùng nghệ sĩ độc tấu violon là GS Ngô Văn Thành. Và nếu ai may mắn nghe lại tác phẩm trong đêm biểu diễn mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi với phần độc tấu tuyệt vời của nghệ sĩ violon Lê Hoài Nam sẽ thấy rõ tầm vóc tác phẩm được đánh giá xuất sắc nhất của cố nhạc sĩ Đàm Linh. Tác giả đã sử dụng nhiều ý tưởng mới, đầy ngẫu hứng, tự sự và đậm tiết tấu âm nhạc Tuồng Việt Nam để toát lên hình ảnh Hà Nội - Thủ đô văn hiến, hòa bình và đang vươn lên mạnh mẽ. Trong chuyến biểu diễn tại Mỹ, dàn nhạc đã mời nghệ sĩ violon Lê Hoài Nam từ Dàn nhạc Hồng Kông (Trung Quốc) trở về thể hiện tác phẩm. Lê Hoài Nam là người Việt Nam đầu tiên trở thành concertmaster (leader) của Dàn nhạc trẻ Châu Á. Hiện anh là thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Hồng Kông và đảm nhận vai trò bè trưởng violon2. Các nghệ sĩ cũng sẽ trình diễn hai tác phẩm dân ca Việt Nam khá thú vị là "Trống cơm" và "Lý hoài Nam" do NSƯT Ngô Hoàng Quân chuyển soạn cho dàn nhạc dây. Đó còn là món quà dành cho những người con đất Việt đang sống xa quê hương.
Để khẳng định đẳng cấp của DNGHVN, các nghệ sĩ sẽ chơi bản "Adagio cho dàn dây" rất nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Mỹ Samuel Barber. Tác phẩm từng được vang lên trong lễ tang của Albert Einstein, trong thông cáo về cái chết của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, trong lễ tang của công nương Grace (Monaco), trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công 11-9… Khúc tưởng niệm này là thông điệp sẻ chia và lời nguyện cầu của người dân Việt Nam tới những nạn nhân trên thế giới đã, đang trải qua thảm họa. Không gian cổ điển trong "Bản giao hưởng số 8" của nhà soạn nhạc người Czech Antonin Dvorak - một trong những người quan trọng nhất của trường phái lãng mạn và góp công lớn xây dựng âm nhạc cổ điển nước Mỹ, cũng sẽ được mở ra trong chương trình.
Chương trình được chỉ huy bởi nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji, nhân vật rất thân thuộc với âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Ông hiện là Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Nipponica - nơi công diễn lần đầu của nhiều tác phẩm Nhật Bản và làm Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính của DNGHVN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.