(HNM) - Một đơn vị làm sách tư nhân mới đây đã thành lập "Hội tẩy chay sách lậu" mà nòng cốt chính là sinh viên, những người vừa là bạn đọc, vừa là nhân tố tuyên truyền.
Phương thức "chống" là sử dụng mạng facebook để thông báo những đơn vị, nhà sách bán sách lậu với bằng chứng cụ thể, vận động bạn đọc trẻ không mua sách lậu. Hội cũng hướng tới làm việc trực tiếp với các nhà sách, tuyên truyền để các nhà sách cam kết không bán sách không có bản quyền. Bước đầu mô hình này đã nhận được sự hưởng ứng của khá nhiều NXB, những đơn vị làm sách từng đau đầu, quyết tuyên chiến với nạn sách lậu.
Theo phân tích của người sáng lập mô hình này thì gần đây, cách chống sách lậu thường thấy là đơn vị làm sách chủ động phát hiện, phối hợp với lực lượng chức năng "tấn công" cơ sở in lậu, thu thập bằng chứng để kiện những cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, cách này mất khá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức… mà kết quả chưa được như mong muốn. Trong khi đó, việc lôi kéo bạn đọc về phía mình, cắt nguồn "cầu" với sách lậu, tạo hàng rào từ chính đầu ra là các nhà sách thì lại chưa thực sự được chú trọng.
Một doanh nghiệp sách tư nhân cho rằng bán sách lậu chưa chắc lãi hơn bán sách thật bao nhiêu, chưa kể khi bị độc giả tẩy chay thì nguy cơ mất khách hàng là rất lớn. Nếu đẩy mạnh tuyên truyền, đánh vào ý thức người tiêu dùng, đánh vào uy tín của nhà sách thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả.
Mặc dù đang ở dạng sơ khai nhưng hướng đi của "Hội tẩy chay sách lậu" không phải là không có căn cứ. Từ đây lại nghĩ đến các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới đang diễn ra ở nước ta. Mục đích của UNESCO, cơ quan khởi xướng sự kiện này là nhằm tôn vinh giá trị của sách và sự đóng góp của các tác giả, đồng thời tuyên truyền và nâng cao ý thức của người đọc về bản quyền. Những nội dung đề cao văn hóa đọc và sự tôn vinh những giá trị của nó đã đạt được một số thành công bước đầu. Tuy nhiên, ở góc độ bản quyền thì dường như câu chuyện này chưa được chú trọng nhiều trong các hoạt động ở ta.
Còn nhớ, năm 2007, một công ty sách ra đời, mỗi cuốn sách của họ đều đóng dấu "100% có bản quyền" ở bìa 4 - một lời tuyên chiến với sách lậu. Năm 2010, đỉnh điểm của cao trào chống sách lậu, đi đến đâu dân trong ngành cũng nói chuyện nhà sách này in lậu, ông chủ nhà sách kia bị khởi tố, nhà xuất bản nọ ra sách không có hợp đồng bản quyền... Tưởng "phong trào" lên đỉnh, cho hiệu quả nhưng rồi cũng như mấy năm về trước, phong trào chống sách lậu sớm lụi tàn, vì nhiều lý do.
Tình trạng vi phạm bản quyền dường như đang thách thức cả ngành xuất bản. Nhiều người mong rằng, khi tổ chức ngày hội sách, ta nên chú trọng thêm vào tuyên truyền về bản quyền, chẳng hạn là "Ngày sách và bản quyền thế giới" hơn chỉ là "Ngày hội đọc sách". Đó là một ý kiến hay, giúp thúc đẩy nỗ lực chung nhằm làm lành mạnh hóa môi trường xuất bản, phát hành sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.