Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để xây dựng nền công nghiệp Việt Nam tự chủ?

Lam Giang| 07/09/2022 19:47

(HNMO) - Công nghiệp nước ta ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là một ngành xuất khẩu chủ lực, có mức tăng trưởng đều qua các năm… Tuy nhiên, nền công nghiệp Việt Nam còn yếu về nội lực, phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…, đặt ra yêu cầu cần xây dựng nền công nghiệp tự chủ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 7-9.

Các khách mời tại tọa đàm.

Nội lực còn yếu

Đánh giá về sự phát triển của công nghiệp nước ta thời gian qua, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, ngành công nghiệp Việt Nam trở thành ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách của nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế và bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm. Về cơ cấu đã giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp Việt Nam còn yếu về nội lực, phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó, đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh - phụ kiện, nguyên - vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp; đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.

Ngành thép nỗ lực chủ động nguyên liệu để tự chủ sản xuất.

Tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu cơ cấu lại ngành công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 25% GDP, nâng cao tính tự chủ… mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, ngành công nghiệp còn nhiều việc phải làm.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ đầu tư trên 11.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp trong nước”, ông Nguyễn Hữu Tú thông tin. Tuy nhiên, để tạo sự phát triển mới, vững chắc hơn nữa trong thời gian tới, ông Nguyễn Hữu Tú mong muốn, ngành được hỗ trợ về cơ chế, chính sách liên quan tới thuế, mặt bằng các khu công nghiệp, chính sách khoa học - công nghệ….

Về phía ngành thép, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành đã nỗ lực chủ động nguyên - vật liệu đầu vào, đầu tư sáng tạo để đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành, lĩnh vực... Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có các chính sách đặc thù để bảo đảm cho ngành phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực ưu tiên sử dụng thép sản xuất trong nước…

Để đẩy mạnh nền công nghiệp mang tính tự chủ, vững mạnh, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng, trọng tâm thời gian tới ngành cần tiếp cận những công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. “Song song với phát triển công nghiệp nền tảng, chúng ta cần phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu…”, ông Phạm Tuấn Anh nói.

Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng những chuỗi sản xuất công nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực công nghiệp để khắc phục những hạn chế, yếu kém, hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để xây dựng nền công nghiệp Việt Nam tự chủ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.