(HNM) - Chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, Công nghiệp là ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ngành Công nghiệp còn nhiều hạn chế, rất cần những trợ lực để có thể tự chủ và phát triển.
Chiếm tỷ trọng vượt trội trong kim ngạch xuất khẩu
Đánh giá về sự phát triển của ngành thép, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái cho biết, ngành thép Việt Nam đã vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ, phát triển cả về quy mô cũng như chủng loại sản phẩm, với tổng công suất hiện đạt 25 triệu tấn thép thô/năm. Đặc biệt, từ chỗ phụ thuộc vào thép nhập khẩu, đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu thép với kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,4 triệu tấn thép, trị giá gần 8 tỷ USD, tới 30 thị trường.
Còn ngành công nghiệp hóa chất đã sản xuất các sản phẩm phân bón, hàng tiêu dùng, hóa chất, sản phẩm cao su… cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới 40 nước trên thế giới. Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Hữu Tú thông tin, mỗi năm, tập đoàn sản xuất 1,06 triệu tấn đạm, 660.000 tấn DAP, hơn 2 triệu tấn NPK, đóng góp vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp. “Từ nay đến năm 2025, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự kiến đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Tú chia sẻ.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước không chỉ dừng lại ở sản phẩm đơn giản mà đã sản xuất được những cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Từ nền công nghiệp nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, công nghiệp Việt Nam đã từng bước vươn lên. Cơ cấu ngành Công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.
Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”, cho thấy năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghiệp là ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặt khác, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế, bình quân tạo thêm khoảng 300.000 việc làm/năm. Tuy nhiên, ngành Công nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, nội lực của các doanh nghiệp còn yếu. “Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất cũng như chưa có doanh nghiệp hay sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu mạnh”, ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận.
Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, công nghiệp đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu nhưng giá trị ở lại với Việt Nam không nhiều do phụ thuộc quá lớn vào khu vực đầu tư nước ngoài. Ví dụ như ngành thép vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu và phụ tùng linh kiện thay thế trong quá trình sản xuất.
Nâng nội lực cho ngành Công nghiệp
Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần thêm nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi để trợ lực cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao nội lực về trình độ khoa học, công nghệ, nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết, tham gia mạng sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh các chính sách về thuế, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Hữu Tú kiến nghị, cần có chính sách tạo mặt bằng sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Về phía ngành thép, theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có các chính sách đặc thù để bảo đảm ngành thép Việt Nam phát triển nhanh, bền vững. “Đặc biệt, Nhà nước nên khuyến khích ưu tiên sử dụng thép Việt Nam, đồng thời tiếp tục có các chính sách hỗ trợ để ngành thép phát triển nhanh, mạnh theo hướng xanh và phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu”, ông Đinh Quốc Thái nói.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh nhìn nhận, chính sách phát triển công nghiệp cần tập trung vào những ngành và lĩnh vực nền tảng, ưu tiên. “Chúng ta cần xây dựng những khu, cụm công nghiệp liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng các chuỗi sản xuất. Ngoài ra, cần có chính sách xây dựng các tập đoàn lớn làm đầu tàu cho các lĩnh vực công nghiệp. Mặt khác, cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh”, ông Phạm Tuấn Anh nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.