Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để hạn chế cờ bạc?

Lâm Vũ| 21/07/2012 07:56

(HNM) - Dẫu chưa có cuộc điều tra nghiên cứu cụ thể về nạn chơi cờ bạc trong thanh niên nhưng ở không ít địa phương, nhất là vùng ven đô, tình trạng cha mẹ bán nhà, bán đất trả nợ cho con chơi cờ bạc không phải là hiếm.

Trong thời gian qua, nạn cờ bạc xảy ra thường xuyên tại các lễ hội ở Việt Nam.


- Với tư cách là một nhà xã hội học, ông có nhận xét gì về tình trạng chơi cờ bạc của thanh niên hiện nay?

- Có thể xem cờ bạc là một vấn nạn hiện hữu trong thanh niên nói chung và thanh niên Hà Nội nói riêng. Chúng ta chưa có những nghiên cứu cụ thể để xem vấn nạn này phổ biến đến đâu, hệ lụy của nó ghê gớm tới mức nào, nhưng tất cả những người quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của thanh niên đều cảm thấy rằng đây là một thực trạng gây sự lo ngại lớn và sâu sắc. Tệ nạn cờ bạc đang tràn ngập ở nhiều khu vực, nhiều lĩnh vực hoạt động, với hình thức từ đơn giản đến phức tạp. Người ta có thể chơi cờ bạc qua chuyện cá nhau số đầu số đuôi biển kiểm soát của một phương tiện giao thông, cho đến việc sử dụng công nghệ cao như máy tính, mạng internet để cá độ.

- Theo ông, vì sao thanh niên lại ham mê cờ bạc?

- Từ trong nguồn cội có tính chất văn hóa, việc vui chơi có thưởng vốn là sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng dân cư mỗi khi có kỳ cuộc hội hè. Cùng với thời gian, sinh hoạt này bị biến tướng, trở thành tệ nạn cờ bạc. Có nhiều nguyên nhân khiến thanh niên ham mê cờ bạc, trong đó quan trọng là đời sống xã hội rất phức tạp và có nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, thanh niên cảm thấy cuộc sống vô vị, không có ý nghĩa nên dễ sa vào cờ bạc. Thực tế, đa số những người dấn thân vào cờ bạc lúc đầu không hoàn toàn vì động cơ tiền bạc. Thêm vào đó là yếu tố kích thích hoặc có thể là giải thưởng "khủng" hoặc có thể là chuyện thắng thua, hơn thiệt, dẫn con người ta đến say mê.

- Ông cha ta đã từng đúc kết "Cờ bạc là bác thằng bần" hay gần đây có câu "đánh đề ra đê mà ở" để chỉ ra con đường tất yếu của việc chơi cờ bạc. Ngoài hậu quả về mặt kinh tế, cờ bạc hẳn còn gây ra những tác động xấu về mặt xã hội phải không ạ?

- Ngoài khả năng có thể bị khánh kiệt tài sản, người đam mê cờ bạc phải trả giá đắt trong sinh hoạt ứng xử cộng đồng, công việc sa sút, thay đổi nhân cách. Nạn cờ bạc cũng làm ảnh hưởng đến thời gian, công sức và sức khỏe của người chơi. Và điều quan trọng là cờ bạc có thể làm con người ta mất đi niềm tin. Nếu trước đó, việc giảm sút niềm tin ở đời sống hàng ngày dẫn người ta đến với cờ bạc thì khi dấn thân vào và trượt dài với nó, cờ bạc càng củng cố thêm, làm rõ thêm, sâu hơn việc người ta mất niềm tin ở cuộc sống lành mạnh, bình thường. Đặc biệt với thanh thiếu niên, những người chưa tham gia vào đời sống lao động thì việc sa vào cờ bạc dẫn đến thiếu tiền, buộc phải tìm mọi cách có được tiền để chơi nữa, để gỡ lại số tiền đã thua... làm người ta trượt dài và không "ngóc đầu" lên được, không trở lại với cuộc sống bình thường được.

- Hậu quả rõ ràng ai cũng thấy mà tại sao nạn cờ bạc ngày càng gia tăng, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, đời sống xã hội đang có nhiều vấn đề phức tạp đan xen, có nhiều thách thức trong chuyển đổi thì niềm tin xã hội bị lung lay, giảm sút, thanh niên thấy cần phải đi tìm nguồn "động viên" bằng những trò này trò khác. Bên cạnh đó, niềm say mê yêu lao động hàng ngày bị suy giảm, thích chơi bời hơn thích làm việc cũng khiến người ta lao vào cờ bạc. Một vấn đề tưởng như mâu thuẫn nữa là khi thu nhập giảm sút, những khó khăn của đời sống kinh tế - xã hội càng nhiều thì người ta càng có lý do để sa vào nạn "đỏ đen" với một niềm tin "tội nghiệp" là có thể kiếm được tiền từ những canh bạc. Rồi có những nguyên nhân phụ trợ như việc các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin, những câu chuyện xung quanh nạn cờ bạc, vô tình gợi sự tò mò cho những người trẻ, vốn thích tìm hiểu những điều mới, nhất là những gì bị cấm đoán.

- Vậy thì theo ông có thể làm gì để hạn chế nạn cờ bạc?

- Ở bình diện xã hội thì mỗi gia đình phải giáo dục nghiêm khắc tất cả thành viên của mình. Trong phạm vi toàn cộng đồng, chúng ta không nên ngần ngại, xấu hổ khi tổ chức một cuộc vận động bài trừ tệ nạn cờ bạc. Một vấn đề khác là nạn cờ bạc trá hình, những hình thức đánh bài muôn hình vạn trạng đang diễn ra mạnh mẽ như vậy thì đã đến lúc Nhà nước phải đưa hoạt động đó vào quản lý. Tức là chúng ta tổ chức chơi cờ bạc hợp pháp có kiểm soát, có luật pháp can thiệp và có thu thuế. Có một thực tế là người ta vẫn đi nước ngoài đánh bạc. Đằng nào người ta cũng vẫn chơi bạc thì việc tổ chức chơi bạc chính thức của Nhà nước sẽ góp phần lành mạnh hóa, tránh chảy máu ngoại tệ. Bên cạnh đó, khi người ta chơi có địa chỉ thì những hệ lụy gây rối ren cho xã hội hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nói cho cùng nạn cờ bạc chắc chắn không bao giờ tiêu vong bởi nó luôn đi cùng với lịch sử phát triển loài người. Vậy thì thay vì để nó phát triển tự phát, tốt hơn hết là chúng ta kiểm soát và lành mạnh hóa nó.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để hạn chế cờ bạc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.