(HNM) - Mới đây, sau hơn 30 tháng thi công, Tam Đảo 05 - giàn khoan tự nâng lớn nhất từ trước đến nay do đội ngũ kỹ sư trong nước chế tạo - đã chính thức bàn giao cho chủ đầu tư Vietsovpetro.
Đây cũng là công trình ngoài khơi lớn nhất được chế tạo tại Việt Nam từ trước đến nay với tỷ lệ nội địa hóa 39%, có thể hoạt động trong điều kiện bão trên cấp 12. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với kỹ sư Phan Tử Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), đồng tác giả cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ lần thứ 5.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05. |
- Ông có thể cho biết điều gì khiến công trình được đánh giá là góp phần quan trọng trong phát triển nền kinh tế và khoa học, công nghệ?
- Giàn khoan tự nâng 90m nước Tam Đảo 05 là công trình đầu tiên và là công trình trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn. Công trình có tính chất kỹ thuật công nghệ dạng đặc biệt về thiết kế, chế tạo lắp đặt và hạ thủy, do kích thước siêu trường, siêu trọng, có mức độ phức tạp và tính liên ngành cao. Sản phẩm của công trình đã được Cơ quan Đăng kiểm hàng hải Hoa Kỳ (ABS) công nhận. Việc chế tạo thành công giàn khoan này đã đưa Việt Nam vào một trong số ít các quốc gia trên thế giới có đủ năng lực thi công giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng.
Việc chế tạo thành công giàn khoan đã tạo nên dòng sản phẩm công nghiệp mới của Việt Nam và giúp PV Shipyard hướng tới chủ động sản xuất các sản phẩm tiếp theo như giàn khoan tự nâng ở độ sâu 120m nước có khối lượng kết cấu, thiết bị hơn 18.000 tấn, đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác của Ngành Dầu khí Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, kết quả của công trình khẳng định năng lực tự chủ về khoa học, công nghệ của Ngành Dầu khí Việt Nam trong thời kỳ vươn ra biển khai thác thế mạnh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
- Là đồng tác giả, điều gì khiến ông tâm đắc nhất trong quá trình thực hiện công trình này?
- Điểm đặc biệt nhất, theo tôi nghĩ, là chưa bao giờ giàn khoan có quy mô lớn hiện đại, công nghệ phức tạp loại này được sản xuất ở Việt Nam. PV Shipyard đã thực hiện trọn gói từ khâu thiết kế công nghệ, thi công, lắp đặt với một khối lượng rất lớn. Từ trước đến nay, các giàn khoan như vậy đều phải nhập khẩu 100%. Có giá trị 230 triệu USD, được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ), giàn khoan Tam Đảo 05 có khả năng khoan tới mỏ dầu khí ở độ sâu 9.000m, chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện gió bão trên cấp 12. Cùng với các hệ thống công nghệ khoan, điện, điện tự động, kiến trúc nội thất,… đây cũng là công trình biển lớn nhất từ trước đến nay được chế tạo tại Việt Nam và là giàn khoan tự nâng thứ 2 do PV Shipyard thực hiện, sau Tam Đảo 03 đã được bàn giao cho Vietsovpetro đưa vào sử dụng thành công trong hơn 4 năm qua. Công trình được thực hiện trên nguyên tắc vừa nghiên cứu thiết kế vừa thi công và đã hoàn thành bảo đảm chất lượng cũng như tiến độ. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu và ứng dụng đã cải tiến được một số hệ thống thiết bị, quy trình thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Ông có thể chia sẻ về những lợi ích kinh tế mà giàn khoan Tam Đảo 05 đem lại?
- Về mặt kinh tế, chúng ta tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ (76 triệu USD) với tỷ lệ nội địa hóa là 39% trên giá trị do PV Shipyard thực hiện. Về mặt xã hội, công trình tạo ra một lượng việc làm không nhỏ cho lực lượng lao động trong nước. Đặc biệt, về chiến lược phát triển Ngành Dầu khí và An ninh năng lượng, việc tự chế tạo các loại giàn khoan giúp cho Ngành Dầu khí Việt Nam chủ động hơn trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên biển.
Sau hai dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05, bước đầu chúng ta đã hình thành một hệ thống nhà cung cấp máy móc, thiết bị, vật tư… phụ trợ cho công nghiệp chế tạo giàn khoan, đóng tàu nói riêng và cho Ngành Cơ khí nói chung. Đó là một trong những yếu tố được đánh giá là then chốt để giúp thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng và Chính phủ. Thành công của dự án cũng khẳng định khả năng mở ra một lĩnh vực mới, tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, tạo tiền đề để mở ra một thị trường xuất khẩu mới khi ngành chế tạo giàn khoan hội nhập toàn diện, tiến tới xuất khẩu giàn khoan ra thị trường khu vực và quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.