Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm bật lên những mầm văn chương mới

Vân Hạ| 05/02/2020 16:30

(HNMCT) - Khi tuổi trung bình của hội viên đã vượt ngưỡng 60 thì việc hướng tới những cây viết trẻ, đặc biệt là các nhà thơ trẻ, là hoạt động được Hội Nhà văn Hà Nội đẩy mạnh. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội về thơ và các nhà thơ trẻ.

- Những năm gần đây, Hội Nhà văn Hà Nội muốn “trẻ hóa” đội ngũ, vậy Hội đã có những hoạt động gì để thu hút các cây viết trẻ, thưa ông?

- Tại Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017, chúng tôi xác định mục tiêu lớn nhất là thu hút các cây viết trẻ, hướng tới các hội viên và tập trung vào học thuật nhiều hơn trong các dịp sinh hoạt hằng tháng. Điều này đã được thể hiện cụ thể trong nhiều hoạt động như thành lập Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội (CLB) trực thuộc Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Hà Nội với sự tham gia của hơn 40 cây bút của tuổi trẻ Thủ đô. CLB tổ chức định kỳ các hoạt động như giới thiệu tác phẩm mới; trao đổi, tọa đàm văn chương; tham gia các đêm thơ nhạc, cuộc thi, chương trình tham quan thực tế sáng tác... Ban Chủ nhiệm CLB đóng vai trò cầu nối giới thiệu sáng tác của thành viên CLB đến các nhà xuất bản, cơ quan báo chí để đăng tải. Việc thành lập CLB Nhà văn trẻ và Hội nghị Viết văn trẻ được tổ chức định kỳ chính là muốn hướng đến lớp trẻ sáng tạo sung mãn nhất ở Hà Nội. Ngoài những người đã định hình phong cách, đã thành danh cần tiếp tục phát huy, thúc đẩy năng lực sáng tạo, thì việc đánh  thức và làm bật lên những mầm văn chương mới là hết sức quan trọng.

Hiện nay, số lượng nhà văn, nhà thơ trẻ trên địa bàn Thủ đô không ít, nhưng phần đông còn chưa được tập hợp về sinh hoạt tại CLB. Một phần nguyên nhân là ở thời hiện đại, khi bí mật đời sống cá nhân được đề cao, tự do cá nhân được chú ý và các nhà thơ có thể giao lưu với bạn thơ, với người hâm mộ, thậm chí “tiếp thị” sản phẩm thơ của mình qua mạng thì việc tham gia vào các tổ chức hội của cá nhân sẽ ít hơn so với trước. Và vì thế, nhiệm vụ của CLB là không chỉ xét kết nạp thành viên mà còn phải tìm người xứng đáng để mời vào hội để sinh hoạt, giao lưu.

- Vậy ông có nhận xét gì về thơ trẻ của Hà Nội?

CLB Nhà văn trẻ, Sân thơ trẻ... chính là nơi tập hợp lớp trẻ sáng tạo văn chương, giúp các nhà thơ trẻ thúc đẩy năng lực sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm mới.

- Trên thế giới hay ở Việt Nam đều có những thần đồng thơ ca thành danh từ khi còn rất nhỏ. Hay như cha ông ta trước kia, mới khoảng 7 - 8 tuổi đã biết làm thơ đường luật, chỉ 20 tuổi là có thể đã đỗ tiến sĩ. Ở Hà Nội, trước đây, các nhà thơ như Hoàng Cầm, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Bình Phương... đều nổi tiếng từ tuổi đôi mươi. Sau đó, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh... đều được người yêu thơ biết tới khi còn là sinh viên.

Một điều đặc biệt với Hà Nội, đó là nhiều nhà thơ chỉ khi đến với đất kinh kỳ mới thực sự thăng hoa, trở thành nhà thơ nổi tiếng. Hà Nội với chiều sâu văn hóa đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng tinh hoa. Một đặc điểm thứ hai, là Hà Nội bao giờ cũng dẫn đầu về sự đổi mới trong thơ. Nhưng cũng có một đặc điểm thứ ba gần như ngược lại, Hà Nội lại là nơi lưu giữ truyền thống tốt nhất, không quá sa đà vào đổi mới tìm đường. Hà Nội ngàn năm văn hiến luôn là mảnh đất của thơ ca, con người sống ở Hà Nội dường như cũng đã thấm đẫm địa khí hậu, địa văn hóa của Hà Nội để thăng hoa. Và điều đó khiến chúng ta có quyền hy vọng sự đổi mới thơ sẽ lại xuất hiện ở đây.

- Đổi mới mà ông nhắc đến là sự cách tân nghệ thuật hay đổi mới ở nội dung đề tài? Có phải nhà thơ trẻ hiện nay đang “chìm đắm” vào cảm xúc cá nhân nhiều quá không, thưa ông?

- Người ở thời đại này không sống thay thế cho người của thời đại khác được. Nhưng, lớp trẻ hiện nay với những chất liệu văn học mới, cách nghĩ mới, đặc biệt trong đó có ngôn ngữ mới là cái mà chúng ta vẫn đang thiếu trong thơ ca. Cũng có lẽ “vỏ áo” của thơ ca sang trọng, lịch lãm quá khiến ngôn ngữ mới, ý thức bám sát đời sống thực tế hiện nay rất khó đi vào trong thơ. Thơ không phản ánh được thời đại, không phản ánh được tâm trạng của thời đại thì có lẽ vẫn chưa đạt được thành công. Khoảng cách này sẽ còn cần được kéo lại gần nhau hơn nữa.

Nghệ thuật thơ, theo tôi, trước hết ở chữ nghĩa giản dị, khiến người đọc mỗi khi đọc là hiểu ngay, sau nữa là ý tưởng, là thông điệp phải có gì khác lạ với tất cả các tác phẩm trước đó, và thông điệp ấy phải mang được giá trị nhân văn cao. Như ở thời phong kiến, đã có những tư tưởng vượt thời đại rất xa khi nhà thơ ca ngợi cái đẹp, ca ngợi người phụ nữ hay khi thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận cuộc sống đương thời đầy linh cảm, diệu kỳ.

Chúng ta mong muốn viết về đề tài xã hội, thế sự, nhân sinh, thể hiện thơ ca góp phần xây dựng đất nước và xây dựng Hà Nội. Chúng ta cũng mong có thơ tình yêu, bởi ngay cả những người lính ra trận mà vào lúc ác liệt nhất những câu thơ về tình yêu nước góp phần tạo nên phẩm chất anh hùng, tinh thần dũng cảm hy sinh và hiến thân cho Tổ quốc. Tất nhiên góc nhìn về tình yêu trước kia và bây giờ đã khác đi nhiều, dường như tình yêu bây giờ đang... dễ dàng hơn, trong khi thơ ca vốn không thiên về cái dễ dàng. Thơ phải là khát vọng, phải dâng hiến một cách trọn vẹn. Bây giờ thơ viết về tình yêu có phần thô ráp hơn, thẳng thắn hơn, nhất là khi viết về nhục thể. Mà đôi khi chính sự thẳng thắn ấy lại làm mất đi sự tinh tế của thơ ca.

- Theo ông, khó khăn lớn nhất đối với các nhà thơ trẻ hiện nay là gì?

- Ngày nay có quá nhiều loại hình nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, và đặc biệt là văn hóa tiêu dùng đang lấn át văn hóa tinh thần. Điều đó làm khó cho cả người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, tôi tin rằng sâu trong tâm tưởng người Việt Nam, tình yêu thơ ca vẫn đậm đà. Qua những khảo sát thực tế, tôi cho rằng thơ ca cần phải tìm một cách phổ biến khác để đưa tác phẩm đến với bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng thơ ca ế ẩm, không có người đọc. Nhưng cũng cần phải nhìn ngược lại, có lẽ không phải công chúng quay lưng với nghệ thuật, mà chính là nghệ thuật quay lưng với công chúng. Đây là điều cần được chú ý hơn, bởi vì nhà thơ nếu muốn tác phẩm được đón nhận thì không thể chỉ viết cho riêng mình được, mà khi viết phải có sự đồng cảm, sự cộng hưởng, phải biết lắng nghe người khác. Nghệ thuật, trong đó có thơ, phải cố gắng sáng tạo ra những tác phẩm độc bản. Mỗi nhà thơ muốn có thơ hay, muốn gắn bó với thơ lâu dài thì phải có con đường sáng tạo riêng, thể hiện sự độc đáo.

Chuyện nhà thơ bỏ tiền ra in tập thơ rồi đem tặng mọi người lâu nay cũng nhận được nhiều ý kiến. Nhưng theo tôi điều đó là bình thường. Đa số các nhà thơ Việt Nam đều không sống bằng “nghề thơ”... Nhìn từ góc độ tích cực, việc in thơ  chính là điều kiện thuận lợi để bạn đọc thể hiện quyền chọn lựa, quyền so sánh theo "gu" đọc thơ của mình. Và thời gian sẽ giúp sàng lọc để cái đúng, cái hay được không ngừng phát triển.

- Ông có lời khuyên gì cho các nhà thơ trẻ không?

- Không phải là khuyên, mà tôi chỉ muốn nói vài lời chia sẻ. Là người viết, chúng ta phải đọc nhiều, phải hiểu loài người xưa nay đã nói những gì để viết những điều người ta chưa viết, để tránh đạo văn, để không trùng ý tưởng với người đi trước. Nhà thơ, nhà văn phải có vốn sống, có trải nghiệm riêng chứ không thể viết bằng vốn sống của người khác. Quan trọng hơn, nhà thơ, nhà văn hơn ai hết phải yêu con người, yêu cuộc sống, phải trung thực đến tận cùng. Đó chính là điểm tựa cho câu thơ của họ bay cao.

- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm bật lên những mầm văn chương mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.