(HNM) - Dưới những con đường ồn ào xe cộ của thành phố Hà Nội, ít ai biết rằng còn có một hệ thống “đường” khác. Đó là hệ thống đường cống ngầm thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt của cư dân Thủ đô. Để bảo đảm việc tiêu thoát nước, những công nhân cống ngầm của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vẫn ngày đêm nhọc nhằn ngâm mình dưới những ống cống ngập nước thải đen kịt, "làm bạn" với bùn thải, cào móc bùn, rác cản trở dòng chảy, giúp lòng cống thông thoáng...
Nghề nhọc nhằn
Trước ảnh hưởng của bão số 2 có khả năng gây mưa to đến rất to trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ ngày 9-8, Xí nghiệp Thoát nước số 4 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) đã triển khai nạo vét cống thoát nước tại ngách 2/1 phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa). Đây là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập mỗi khi mưa lớn do hệ thống thoát nước đã cũ, tiết diện cống nhỏ hẹp.
Mặc bộ quần áo cao su bảo hộ lao động, đeo găng tay cao su, anh Lưu Ngọc Tưởng và các công nhân cống ngầm (Tổ duy trì số 5, Xí nghiệp Thoát nước số 4) lần lượt lật từng tấm đan chạy dọc ngách, lội xuống lòng cống, dùng cuốc cời móc từng xô bùn, gạch vỡ từ dưới lòng cống, đổ lên xe chứa bùn thải chuyên dụng. Nước cống đen ngòm, bốc mùi hôi thối khiến nhiều người qua đường phải bịt mũi đi nhanh qua. Thế nhưng anh Tưởng và đồng nghiệp vẫn cặm cụi với công việc, tỉ mỉ móc bùn, rác từng đoạn cống, giúp lòng cống thông thoáng, bảo đảm nước tiêu thoát tốt hơn. Quệt mồ hôi đang ướt đầm trên trán, anh Tưởng cười nói: “Công việc thường nhật của công nhân cống ngầm là vậy, làm bạn với nước thải quen rồi!”.
Nhớ lại những ngày đầu tiên đi làm, anh Lưu Ngọc Tưởng chia sẻ: “Hồi đó, chỉ cần mở nắp hố ga lên đã cảm thấy sợ rồi. Lòng cống tối om, ô xy không đủ, đặc biệt là mùi hôi thối nồng nặc, xộc thẳng vào mũi. Có hôm ăn sáng xong là nôn hết... Và phải mất đến cả năm tôi mới làm quen được với việc này”.
Quả thật, tận mắt chứng kiến công việc của những người thợ cống ngầm mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ. Từ mùi hôi thối nhức mũi dưới cống nước thải, những thùng rác thải nặng nề cho tới việc đầm mình trong dòng nước đen kịt để đưa rác, bùn đất lên. Cũng như anh Tưởng, anh Nguyễn Văn Đức (Tổ cơ giới số 6, Xí nghiệp Thi công cơ giới và xây lắp, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) kể: “Nỗi ám ảnh nhất đối với tôi đó là mùi hôi thối, mùi hóa chất độc hại mỗi khi vào cống làm nhiệm vụ. Ngay đến người khỏe mạnh nhất cũng chỉ trụ được trong lòng cống 40 phút đến 1 tiếng là phải chui ra”. Được biết, anh Đức vào Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội từ năm 1986, với 36 năm trong nghề, anh đã nếm trải bao chuyện vui, buồn.
Theo anh Đức cũng như nhiều công nhân cống ngầm, điều lo sợ nhất chính là tai nạn nghề nghiệp. Nhẹ thì bị trầy da, xước tay; nặng thì có thể bị nhiễm trùng, uốn ván hay bị ngộ độc vì khí tích tụ trong lòng cống. Bởi ở dưới lòng cống đen ngòm kia là hàng trăm loại rác thải, từ xác động vật thối rữa, phân tươi, dầu thải, đến kim tiêm, đinh tán, mảnh sành, kính vỡ..., mà các anh gọi là “lẩu thập cẩm”. “Nếu ở khu dân cư, cống ngầm có đặc trưng là dầu mỡ, phân tươi…, thì các điểm gần công trường xây dựng lại nhiều bùn đất, mảnh kim loại có thể đâm thủng ủng bất cứ lúc nào. Thậm chí, không ít lần các công nhân cống ngầm còn phải “chịu trận” khi bị chất thải từ bồn cầu nhà dân xả thẳng vào người”, anh Đức nói.
Theo nghề bằng trách nhiệm, cái tâm
“Nhiều người hỏi tôi vất vả, độc hại thế sao không chọn nghề khác? Tôi nghĩ, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ dành phần ai. Đúng là ngày xưa, tôi chỉ nghĩ được tuyển vào xí nghiệp, có công ăn việc làm ổn định tại cơ quan nhà nước là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng càng làm, tôi càng thấy yêu nghề hơn. Nhìn đường phố hết ngập nước, bà con đi lại thuận tiện là tôi vui rồi”, anh Nguyễn Văn Đức (Tổ cơ giới số 6, Xí nghiệp Thi công cơ giới và xây lắp) cười nói. Nối nghiệp cha, con trai cả của anh Đức hiện cũng là công nhân cống ngầm Xí nghiệp Thoát nước số 5 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) phụ trách thoát nước địa bàn quận Long Biên và khu vực đô thị huyện Gia Lâm.
Còn anh Bùi Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ cơ giới số 6 (Xí nghiệp Thi công cơ giới và xây lắp) tâm sự: “Công việc độc hại, nguy hiểm nhưng chúng tôi ai cũng yêu nghề. Tôi nghĩ, xã hội phân công, mỗi người một nghề, khi đã theo nghề rồi, cố gắng làm cho tốt, bằng cái tâm, bằng trách nhiệm của mình. Đứng trong hàng ngũ người công nhân thoát nước, tôi thấy vinh dự vì được góp một phần công sức phục vụ cuộc sống, được làm việc có ích cho xã hội. Đây cũng là động lực lớn giúp chúng tôi càng thêm gắn bó với nghề”.
Vất vả, cực nhọc là vậy, nhưng qua cuộc trò chuyện với các công nhân cống ngầm, thứ tôi thấy luôn thường trực trên khuôn mặt họ là niềm vui, là những nụ cười tươi rói. Anh Lưu Ngọc Tưởng cười nói: “Chắc nhiều người nghĩ đi “móc cống” mà bảo thấy vui thì hơi lạ. Nhưng mỗi ngày, chúng tôi tự tạo ra nụ cười bằng những câu chuyện, tâm sự với nhau về gia đình; quan tâm nhau từ những điều nhỏ nhất trong quá trình làm việc, cuộc sống... Khi tâm lý thoải mái, công việc cũng hiệu quả hơn rất nhiều. Thực sự, tình cảm đoàn kết, gắn bó của anh em, chú cháu, đồng nghiệp là thứ tôi thấy mình “lãi” nhất".
Thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm nên công nhân thường bảo nhau cùng chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn lao động. Bảo đảm an toàn cũng như chăm lo đời sống công nhân lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội Trương Hải Yến cho biết, hằng năm Công ty đều cấp phát đầy đủ vật dụng, đồ bảo hộ lao động (bộ đồ cao su lội nước, khẩu trang, găng tay cao su, mũ bảo hộ...) cho công nhân. Đồng thời, đơn vị chủ động điều chỉnh giờ làm việc hợp lý theo tình hình thời tiết; cấp phát đường, sữa, vitamin... hỗ trợ công nhân lao động trực tiếp ngoài hiện trường, nhất là trong mùa nắng nóng. Công nhân được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Ngoài ra, Công ty đã xây dựng được khu nghỉ dưỡng công đoàn tại biển Hải Tiến (tỉnh Thanh Hóa) để công nhân và gia đình có thời gian nghỉ ngơi.
Khi được hỏi về mong ước trong nghề, anh Đức, anh Dũng, anh Tưởng cũng như nhiều công nhân thoát nước mong rằng, người dân, hộ kinh doanh nâng cao ý thức ý thức, trách nhiệm hơn trong việc xả rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn hệ thống thoát nước. Có vậy, công nhân cống ngầm bớt đi nhiều phần nhọc nhằn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.