(HNMCT) - Đúng như ai đó từng nói: “Sau một đêm vui là những chuỗi ngày lo lắng”, đã hơn 1 tuần qua nhưng dư âm đêm “Trung thu đặc biệt” vẫn ám ảnh nhiều người. “Đặc biệt” là bởi rằm tháng Tám vừa qua đúng vào ngày thành phố điều chỉnh biện pháp chống dịch: Giãn cách xã hội được nới lỏng, mọi người đi lại không cần giấy đi đường, chốt kiểm soát dịch giữa các quận, huyện được tháo dỡ…
Thế là hàng nghìn người hồ hởi đổ ra đường, hướng tới Hồ Gươm. Nhiều gia đình chở trẻ con - đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Hệ quả là một số tuyến phố trung tâm chật cứng người xe, “như chưa hề có dịch cô vy”! Có ý kiến lý giải chuyện này là do giãn cách xã hội kéo dài nên nhiều người cảm thấy tù túng, gò bó, và Trung thu trở thành cái cớ để họ “xả hơi”, vui chơi, cộng thêm việc đa phần (người trên 18 tuổi) đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, vì thế họ “quên mất” là thành phố vẫn đang phải căng mình chống dịch.
Tâm lý chủ quan của một bộ phận cư dân Hà Nội không chỉ thấy trong dịp Trung thu vừa qua, kể cả chuyện “rồng rắn” xếp hàng mua bánh nướng, bánh dẻo mấy ngày trước đó. Hồi còn giãn cách, thi thoảng lại thấy Bí thư Chi bộ cụm dân cư nhắn trên nhóm Zalo, đại ý nhắc một số ngõ cần chấm dứt hiện tượng người dân tụ tập trước cửa nhà, không đảm bảo khoảng cách an toàn, có người còn không đeo khẩu trang… Có lần chị bạn ở “vùng xanh” cũng gọi điện phàn nàn ngõ nhà chị nhiều người vẫn ra ngoài “buôn chuyện”, trẻ con thì chơi đùa ngoài ngõ, thậm chí thanh niên còn tụ tập cắt tóc cho nhau… Hôm ấy nghe xong tôi đã thốt lên: “Nói dại miệng, nhỡ ngõ nhà bà mà có ca F0 thì không biết hậu quả thế nào?”...
Trong thời gian giãn cách, những chuyện tương tự không hiếm gặp trên báo chí và mạng xã hội, cho thấy thực trạng một số người thiếu ý thức, chủ quan, “thả lỏng” các quy định phòng, chống dịch. Có nơi láng giềng vẫn sang nhà nhau “đánh chén”. Thậm chí có người ở “vùng đỏ” lạm dụng giấy đi đường, đồng thời ỉ vào việc đã tiêm vắc xin để vào “vùng xanh” ăn uống… Phải khẳng định tâm lý chủ quan, dễ dàng “xé rào” như vậy đã gây nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng, và đó cũng chính là một lý do khiến số ca F0 ở nhiều tỉnh, thành phố đến nay vẫn ở mức cao, bất chấp mọi nỗ lực, tốn kém “sức người, sức của”.
Tính từ cuối tháng 7 đến ngày 21-9, Hà Nội đã trải qua 4 đợt giãn cách. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những giải pháp đúng đắn của chính quyền thành phố cùng tinh thần đoàn kết, chủ động nhập cuộc của người dân là những nhân tố quan trọng giúp dịch bệnh cơ bản được kiểm soát… Đặc biệt, tận dụng “thời gian vàng” giãn cách, chiến dịch xét nghiệm diện rộng, bao phủ tiêm chủng thần tốc được xem là “chìa khóa” hữu hiệu. Hình ảnh lực lượng y tế Thủ đô - có sự góp sức hỗ trợ của hàng nghìn nhân viên y tế đến từ 12 tỉnh bạn - không quản ngày đêm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng cho hàng triệu người trong thời gian thần tốc, cho thấy một quyết tâm khống chế dịch bệnh, cùng với đó là tinh thần “cả nước vì Hà Nội” để sớm mang lại cuộc sống bình yên nơi “trái tim của cả nước”.
Đến thời điểm này, số ca nhiễm mới trên địa bàn thành phố có chiều hướng giảm, các điểm phong tỏa dần được thu hẹp. Hà Nội đã chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 nhằm hướng tới “mục tiêu kép” - vừa chống dịch vừa đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là từ ngày 28-9, thành phố đã cho phép thực hiện một số hoạt động như thể dục thể thao ngoài trời (không tập trung quá 10 người), trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được bán mang về), cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm với điều kiện người dân đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải thực hiện quét mã QR, khai báo y tế... Vì thế, hoàn toàn có cơ sở để lạc quan, tin rằng ngày bình thường mới - cái ngày mà mọi “hàng rào” ngăn cách con người với cuộc sống bình thường bị xóa bỏ - đang đến với Thủ đô.
Tuy nhiên, dịch bệnh vốn diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí như các chuyên gia y tế nhận định thì rất có thể nhiều ca F0 vẫn đang lẩn khuất trong cộng đồng. Bởi chúng ta đã rất thấm thía những tháng ngày giãn cách triền miên, thấm thía những tổn thất to lớn về tinh thần, vật chất mà cộng đồng xã hội đã, đang và có nguy cơ sẽ phải tiếp tục gánh chịu, nên chúng ta không được phép chủ quan. Tất cả cùng gắn kết, đồng lòng tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, tiếp tục nỗ lực để giữ vững thành quả chống dịch, hướng đến một ngày mai tươi sáng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.