(HNM) - Mặc dù đã có hiệu lực hơn 10 năm, nhưng Luật Đường sắt 2005 chưa thực sự tạo ra bước đột phá cho ngành Đường sắt.
Luật Đường sắt (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng lĩnh vực này. |
Khi cái cũ không còn phù hợp
Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7, thông qua Luật Đường sắt Việt Nam 2005 (ngày 14-6-2005), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006. Lần đầu tiên, hoạt động giao thông - vận tải đường sắt có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh. Luật ra đời, bước đầu góp phần tích cực trong việc điều chỉnh mọi hoạt động giao thông vận tải đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt; mặt khác, tạo ra khung pháp lý phục vụ cho quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt mà trước đây chưa có.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, luật đã bộc lộ một số nhược điểm, đặc biệt là đối với phát triển cơ sở hạ tầng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hệ thống hạ tầng đường sắt Việt Nam được xây dựng và đưa vào khai thác đến nay đã hơn 100 năm và là phương thức vận tải chiếm nhiều lợi thế (chỉ đứng sau vận tải thủy) nhưng chưa thực sự được chú trọng đầu tư để phát triển hạ tầng, thậm chí bị thu hẹp do tháo gỡ một số tuyến.
Theo báo cáo của Ban Cơ sở hạ tầng đường sắt (Tổng công ty Đường sắt): Kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu. Ray P43kg/12,5m chiếm chủ yếu trên đường chính, tải trọng cầu cống thấp, đầu máy phổ biến công suất nhỏ. Thông tin tín hiệu và điều khiển chạy tàu, mặc dù đã được đổi mới từng bước, nhưng vẫn thuộc diện lạc hậu so với các nước trong khu vực.
Hiện, năng lực thông qua chưa có tuyến nào vượt quá 30 đôi tàu/ngày-đêm, trong khi các nước tiên tiến có năng lực thông qua trên đường đơn đạt 40-45 đôi tàu/ngày-đêm. Khối lượng vận tải hàng hóa, hành khách hằng năm đạt thấp và có chiều hướng năm sau sụt giảm hơn năm trước.
Bên cạnh đó, tại các nước phát triển, ngành Đường sắt đã tập trung vào việc xây dựng hạ tầng hiện đại, với các tuyến đường sắt tốc độ cao có giá hợp lý, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn, trở thành một phương tiện phổ biến. Luật Đường sắt 2005 chưa có quy định và chưa có nguồn lực đầu tư là một trong những nguyên nhân khiến ngành Đường sắt bị tụt hậu. Nhưng, nguyên nhân lớn nhất là do chưa có sự tách bạch giữa quản lý nhà nước với các hoạt động kinh doanh đường sắt dẫn đến không có sự kích thích cạnh tranh, đẩy mạnh đường sắt phát triển.
Thực hiện quy hoạch tổng thể
Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay của ngành Đường sắt; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để thực hiện có hiệu quả một trong ba khâu đột phá chiến lược đã xác định là phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) có đề xuất việc phát triển cơ sở hạ tầng, khi bổ sung một chương quy định về đường sắt tốc độ cao; nếu phát triển được loại hình đường sắt này sẽ giúp người dân hưởng những tiện ích hiện đại khi tham gia đường sắt.
Bên cạnh đó, luật mới khi được thông qua sẽ giúp ngành Đường sắt phát triển, khắc phục tình trạng mất cân đối trong hệ thống giao thông - vận tải tại Việt Nam. Đồng thời, chia sẻ, giảm tải cho vận tải đường bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải trong toàn hệ thống giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Luật cũng sẽ tạo ra diện mạo mới hoàn toàn, giúp đường sắt Việt Nam hội nhập, giao lưu quốc tế, hướng tới khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam trong khu vực và thế giới; từng bước lấy lại, phục hồi thị phần vận tải đường sắt đã bị mất đi trong thời gian qua; thay da, đổi thịt ngành Đường sắt trong tương lai gần, theo mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.