Chính trị

Kính phục tấm gương đạo đức vì nước, vì dân

Nhóm phóng viên 26/07/2024 - 06:27

Trong suy nghĩ của cán bộ và nhân dân cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo tài đức hiếm có. Sự ra đi của đồng chí để lại niềm tiếc thương vô hạn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, động viên các thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương, bệnh binh Lạng Giang (Bắc Giang) ngày 26-7-2001. Ảnh: Nguyệt Ánh

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội từng gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều bày tỏ sự kính phục và tiếc thương...

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:
Nhà lãnh đạo tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư

Với mỗi người lãnh đạo, có hai tiêu chí lớn, quan trọng để mọi người đưa ra nhận xét, đánh giá là đức và tài. Đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, về tài thì lịch sử sẽ có những nhìn nhận thấu đáo; Ban Chấp hành Trung ương chắc chắn sẽ có những đánh giá sâu sắc, đầy đủ; nhưng những điều mà người dân bình thường và những người sống ở gần đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều có thể cảm nhận rõ, đó là đạo đức của đồng chí.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương đạo đức trong sáng, “dĩ công vi thượng”, một lòng, một dạ vì Đảng, vì dân. Đồng chí còn là nhà lãnh đạo hết sức tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng chí đã thực hiện những điều này cực kỳ mẫu mực, hết sức điển hình. Những điều này không phải nhìn nhận thoáng qua, ngày một ngày hai, mà trên mọi cương vị: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư (gần 3 nhiệm kỳ)... những công việc đồng chí đã làm đủ để cho xã hội, cho nhân dân tin tưởng. Cũng không khó khăn hay phải phân tích, giải thích, chứng minh gì nhiều, mà chỉ cần nhìn phong cách, sinh hoạt, ăn ở, đi lại, tiếp xúc với nhân dân, từ cái áo, cái cặp, cái kính đeo hằng ngày là thấy rất rõ.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái:
May mắn và hạnh phúc khi được làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Mấy ngày qua khi nghe tin bác Trọng mất (cách gọi thân thiết, kính trọng của đồng chí Nguyễn Công Soái cũng như nhiều cán bộ và người dân Việt Nam dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), tôi thấy hụt hẫng và buồn vô cùng. Tôi đã có 10 năm, trong đó có 2 năm trực tiếp là cấp dưới, làm việc ở Thành ủy Hà Nội. Tôi đã học được ở bác Trọng nhiều bài học quý giá. Những ngày qua, tôi thường kể cho các con, cháu mình nghe về những kỷ niệm khi làm việc với bác Trọng. Các con, cháu hỏi tôi: “Ông ơi sao có một nhà lãnh đạo tuyệt vời đến vậy?”. Tôi cảm thấy thực sự may mắn và hạnh phúc khi được làm việc với bác Trọng thời gian dài như vậy.

Từ khi nghỉ hưu gần chục năm đến nay và sau đó bác Trọng lên Trung ương làm việc, tôi ít có dịp gặp lại. Nghe tin bác mất, tôi thực sự áy náy vì thời gian qua không được gặp bác lần cuối. Bác mãi là một nhà văn hóa lớn, một người thầy vĩ đại, một người anh thân thương không chỉ đối với tôi mà trong lòng nhân dân. Cả cuộc đời này tôi sẽ luôn nhớ những gì thuộc về bác.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội:
Gần gũi với quần chúng nhân dân, chân tình với mọi người

Dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng khi có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi xúc động vô cùng khi phải chia tay một người anh đáng kính.

Tôi rất vinh dự được làm việc trực tiếp với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Ấn tượng đặc biệt của tôi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là phong cách làm việc. Đó là phong cách thật sự gần gũi với quần chúng nhân dân, chân tình với mọi người. Khi làm Bí thư thành ủy Hà Nội, đồng chí không bao giờ yêu cầu nhân viên đưa suất cơm phục vụ lên phòng riêng, mà luôn xuống phòng ăn tập thể để ăn trưa như mọi người. Với tinh thần tiết kiệm triệt để, những lần đi công tác ở các tỉnh, thành phố, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đi xe chung. Trên xe, đồng chí còn nói chuyện vui vẻ để cho mọi người cảm thấy thoải mái. Trong phong cách làm việc, đồng chí luôn coi trọng nội dung hơn hình thức bên ngoài. Vì thế, đồng chí nhiều lần nhắc nhở các địa phương không được để khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội xuống thăm, làm việc”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương:
Nỗ lực phấn đấu rèn luyện tâm - tài - trí

Với phong cách giản dị, gần gũi, luôn quan tâm đến việc phát huy truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn coi trọng và dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đối với công tác Mặt trận, đặc biệt là công tác Mặt trận của Thủ đô. Đồng chí luôn lưu ý hệ thống Mặt trận các cấp phải quan tâm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc, không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì sự phát triển chung của đất nước.

Những lời chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư luôn được hệ thống Mặt trận Thủ đô xác định là kim chỉ nam, ngọn đèn soi sáng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp của Thủ đô nguyện nỗ lực phấn đấu rèn luyện tâm - tài - trí, thực hiện tốt lời căn dặn của đồng chí, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên:
Nguyện noi gương, học tập và làm theo Tổng Bí thư

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, đã chỉ rõ: Phát triển toàn diện Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nghị quyết khẳng định “Xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc gồm ba huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn”.

Bằng nội lực và quyết tâm chính trị cao, Đông Anh đặt mục tiêu xây dựng huyện thành quận văn minh, hiện đại của Thủ đô vào năm 2024, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Đông Anh phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa vùng đô thị phía Bắc. Đến năm 2045, cơ bản hình thành thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); hình thành cực tăng trưởng mới, có chùm đô thị hiện đại, trung tâm tài chính, logistics..., như kỳ vọng của Tổng Bí thư về quê hương Đông Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kính phục tấm gương đạo đức vì nước, vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.