(HNMCT) - Gần 30 lần tái bản với 300.000 bản in trong chưa đầy 10 năm, mới đây lại ra mắt phiên bản sách nói, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” là tập tản văn nổi tiếng trong cộng đồng độc giả trẻ của tác giả Phạm Lữ Ân. Song, nếu độc giả muốn tìm thêm các tựa sách của Phạm Lữ Ân thì xin được chia sẻ, cho đến nay đây là cuốn sách duy nhất đứng tên Phạm Lữ Ân, dù các tác giả còn có những cuốn sách viết chung khác như “Những lối về ấu thơ”, bộ đôi tác phẩm “Lạc giữa nhân gian - Trên đường rong ruổi”.
Phạm Lữ Ân là bút danh ngẫu nhiên được cặp vợ chồng Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy lựa chọn khi viết cho mục "Cảm thức" của tuần san Chuyên đề 2! (thuộc Báo Sinh viên Việt Nam). Hơn 40 bài viết sau đó đã được tập hợp xuất bản thành “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”. Cuối năm 2011, khi sách kỹ năng, tản văn, sách truyền cảm hứng còn ít ỏi thì sự xuất hiện của “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” nhanh chóng chiếm được cảm tình của độc giả. Nhiều câu trích dẫn từ cuốn sách được các bạn trẻ chọn làm “khẩu hiệu” cho mình, như “nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, có gì ta không sống thật sâu...?”.
Với riêng Phạm Công Luận, “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” đã là câu chuyện của 10 năm về trước, nhưng có thể nhận ra trong tác phẩm của “những dấu gạch nối từ quá khứ” về một Sài Gòn cách đây gần nửa thế kỷ khi anh trải qua những ngày ấu thơ. Phạm Công Luận từng tâm sự: “Thành phố này với tôi là thành phố tuổi thơ, tuổi trẻ và chắc là của tuổi... già. Những bài tôi viết về thành phố này như để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm bên gia đình, khi cha mẹ tôi còn sống và anh em còn sum vầy trong căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận, cùng hưởng những cái Tết vui”. Ký ức về những cái Tết của Sài Gòn xưa phải chăng là sợi dây đưa Phạm Công Luận trở về quá khứ, để những năm gần đây, anh liên tục cho ra mắt những cuốn sách mang đậm dấu ấn văn hóa một thời của thành phố này.
“Sài Gòn, chuyện đời của phố” là bộ sách gồm 5 cuốn - ra mắt lần lượt trong giai đoạn 2014 - 2018. Góp nhặt từng câu chuyện nho nhỏ từ ký ức cùng với những khảo cứu công phu và nhiều tư liệu quý hiếm sưu tầm được, mỗi tập sách như chuyến tàu ngược quá khứ đưa độc giả trở về với không gian, thời gian và con người Sài Gòn xưa. Ở đó có những người thật nổi tiếng nhưng cũng nhiều người vô danh, có những người Sài Gòn gốc nhưng cũng có những người di cư..., tất cả cùng làm nên một Sài Gòn trong niềm thương nỗi nhớ của người hoài niệm về mảnh đất này.
“Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những điều hay và dở, những điều mạnh mẽ lẫn yếu đuối trong tính cách không dứt bỏ được... Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương, vì sao gắn bó với xóm giềng, cây cỏ, thời tiết, khí hậu chung quanh khi tất cả đã dần biến dạng...” - Phạm Công Luận chia sẻ. “Sài Gòn, chuyện đời của phố”, bởi thế, ngay khi ra đời đã nhanh chóng chinh phục độc giả.
Nhưng 5 tập sách “Sài Gòn - chuyện đời của phố” dường như mới chỉ để Phạm Công Luận vẽ phác họa về một Sài Gòn xưa, mà chưa kịp để anh tỏ bày tình yêu với Sài Gòn “như con cái yêu cha mẹ đã nuôi nấng mình”. Nên anh đã trải lòng mình qua “Những bức tranh phù thế” và “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm”, để một lần nữa du hành ngược thời gian, để nếm lại những vị ngọt thơm thời thơ ấu, những khoái cảm đơn sơ nhưng nhớ lâu. Với Phạm Công Luận, “kỷ niệm càng đào xới, càng khai thác lại càng đầy và lộ ra những điều từng quen thuộc nhưng lạ lùng như mới gặp lần đầu”.
Tiếp tục đào bới kho tàng ký ức, dịp Tết Tân Sửu 2021 vừa qua, Phạm Công Luận đã cho ra mắt hai tác phẩm “Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa” và “Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa”.
Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận sinh năm 1961 tại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi gắn bó với đề tài về thành phố phương Nam này, anh từng có những tác phẩm dành cho thiếu nhi như “Chú bé Thất Sơn”, “Đường phượng bay”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.