Sách

“Kì công diệu nghệ” – Tự hào với sáng tạo và tay nghề điêu luyện của người Việt xưa

An Nhi 24/05/2025 - 19:56

Cuốn sách “Kì công diệu nghệ - Một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX” của nhóm tác giả Đông Nguyễn và Kaovjets Ngujens, Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành, mang đến góc nhìn khái quát về những phát minh của người Việt xưa, với hy vọng khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc của bạn đọc trẻ hôm nay.

Ngày 24-5, tại Hà Nội, Wings Books – thương hiệu sách trẻ của Nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức giao lưu, ra mắt cuốn sách “Kì công diệu nghệ – Một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX”.

ky-cong-dieu-nghe-giao-luu.jpg
Các tác giả chia sẻ về cuốn sách. Ảnh: Thủy Lê

Từ rất sớm, những phát minh mới mẻ của nhân loại đã được ông cha ta biết tới, tìm cách học hỏi và làm chủ. Bên cạnh đó, có không ít những phát kiến do dân tộc ta tự sáng tạo ra khiến các nhà du hành, nhà nghiên cứu lịch sử thế giới cũng phải kinh ngạc.

anh-1-1-.jpg
Cuốn sách về những kỹ thuật và công nghệ của người Việt xưa. Ảnh: NXB Kim Đồng

“Kỳ công diệu nghệ” giới thiệu 30 kỹ thuật và công nghệ nổi trội, cả du nhập lẫn tự sáng tạo, mà người Kinh, người Chăm… từng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S đã ứng dụng vào đời sống trước thế kỷ XX.

Sách có 5 phần, gồm các kỹ thuật và phát kiến ở các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải, phục vụ đời sống và quân sự. Ở mỗi phần, độc giả sẽ thấy tự hào về sự sáng tạo và tay nghề điêu luyện của cha ông thời xưa.

anh-4.jpg
Phương pháp đóng thuyền được giới thiệu tại sách. Ảnh: NXB Kim Đồng

Ví dụ như thuyền đáy đan nan được coi là một phát minh độc đáo của người Việt. Trung Hoa và các nước Đông Nam Á khác đều không thấy kiểu thuyền này. Hay Việt Nam là đất nước Á Đông duy nhất “cập nhật” kỹ thuật xây thành dạng sao kiểu Italia, để tạo nên thành Bát Quái xây năm 1790 ở Gia Định. Thành có mặt bằng như bông hoa sen chứ không phải kiểu chữ nhật truyền thống, xóa bỏ những “góc chết” vốn có, vừa phòng thủ vừa tấn công mạnh mẽ.

Vào thế kỷ XVIII đã có một người Việt bôn ba sang tận Hà Lan để học làm đồng hồ cơ và kính viễn vọng. Hay người dân Giao Chỉ đã biết dùng thân cây chuối để luyện thành những sợi tơ đẹp, nhỏ như lụa. Xe cứu hỏa đã xuất hiện từ thời vua Minh Mạng...

ky-tang-sach-doc-gia.jpg
Các tác giả ký tặng sách và giao lưu với độc giả. Ảnh: Thủy Lê

Những nội dung trong sách được khảo cứu qua các văn bản và thư tịch cổ, được chú thích chi tiết trong sách để người đọc có cơ sở kiểm chứng lại. Bên cạnh đó, cuốn sách có hàng trăm hình minh họa chi tiết về các kỹ thuật và phát kiến được họa sĩ Kaovjets Ngujens tái hiện chân thực và sinh động, giúp người đọc dễ dàng hình dung và tìm hiểu.

Tác giả Đông Nguyễn chia sẻ, cuốn sách là kết quả nghiên cứu hàng chục năm về những phát minh, tiếp thu khoa học, công nghệ của cha ông chúng ta trước thế kỷ XX. Hy vọng, cuốn sách có thể khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng tích cực, thổi bùng niềm đam mê khoa học và đổi mới công nghệ trong những người trẻ hôm nay.

Tác giả Đông Nguyễn là người chuyên nghiên cứu về lịch sử phong tục, trang phục và quân khí. Anh là đồng sáng lập nhiều nhóm và trang chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cổ như: Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Centre, Vương Sư Kiên Duệ…

Kaovjets Ngujens là họa sĩ người Latvia gốc Việt, chuyên minh họa lịch sử theo các thời kỳ, là tác giả và họa sĩ chính trong nhiều dự án sách và phim tài liệu lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kì công diệu nghệ” – Tự hào với sáng tạo và tay nghề điêu luyện của người Việt xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.