(HNM) - Cách đây 50 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt; yêu cầu cung cấp nhân lực, vũ khí, thuốc men cho chiến trường miền Nam đặt ra vô cùng cấp bách.
Trước tình hình ấy, từ ngày 1-6-1961 đến 27-2-1962, 5 con tàu gỗ đầu tiên lần lượt xuất phát từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, vượt biển ra Bắc xin tiếp viện. "Đường Hồ Chí Minh trên biển" ra đời, trở thành một kỳ tích trong cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Gặp gỡ những CCB trong Ban liên lạc (BLL) Đoàn tàu không số vào những ngày tháng 5 tại Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: "Chỉ với phương tiện thô sơ, lòng dũng cảm, tình nguyện hy sinh cùng sự khéo léo, linh hoạt, những cựu binh Đoàn tàu không số đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của dân tộc ta".
Tàu không số trong hành trình “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Ảnh: tư liệu |
Năm chuyến tàu huyền thoại
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 BCH TƯ Đảng như một luồng gió thổi bùng ngọn lửa cách mạng miền Nam vốn đang âm ỉ cháy. Trong hơn một năm, phong trào khởi nghĩa đã lan rộng từ Nam bộ ra Khu V, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Tháng 1-1960, Bến Tre đồng khởi. Phong trào cách mạng chuyển mạnh lên thế tiến công, từ ngày 14 đến 25-9-1960, tại 14 tỉnh Nam bộ, cao trào đồng khởi rộng khắp. Trên đà thắng lớn, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập tại tỉnh Tây Ninh. Tháng 1-1961, Bộ Chính trị chỉ thị: "Tích cực tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên phạm vi ngày càng rộng lớn… Tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm…". Trong khi đó, tuyến đường chi viện Trường Sơn mở đến Tây Nguyên phải mất vài năm mới vươn tới Đông Nam bộ và còn mất nhiều thời gian hơn để tới Đồng bằng Nam bộ. Nhu cầu vũ khí cho chiến trường Nam bộ đang đòi hỏi cấp bách. Trong khi chờ phương thức vận chuyển vũ khí từ Bắc vào, TƯ Đảng chỉ thị cho các tỉnh Nam bộ chuẩn bị bến bãi, cho thuyền ra Bắc thăm dò, mở đường, nghiên cứu phương tiện vận chuyển, nếu thuận lợi thì chở vũ khí về. Trong một thời gian ngắn, các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã gấp rút chọn thủy thủ, tổ chức đội tàu, mua thuyền lưới, chuẩn bị ra Bắc.
Ông Nguyễn Văn Đức (Ba Đức), sinh năm 1941, thủy thủ tàu Bến Tre, hiện là Phó BLL CCB Đoàn tàu không số TP Hồ Chí Minh, nhớ lại: Thực hiện chỉ thị của TƯ, Bến Tre - nơi khởi đầu phong trào đồng khởi, gấp rút tổ chức 2 đội tàu. Đội thứ nhất do Đặng Bá Tiên làm thuyền trưởng và 5 thủy thủ: Nguyễn Văn Tiến, Huỳnh Văn Mai, Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Nhung, Nguyễn Văn Đức. Những năm ấy, trong điều kiện bị phong tỏa cả đường thủy, đường bộ, thiếu thốn vũ khí, thuốc men, các lực lượng cách mạng đã được nhân dân hết lòng ủng hộ. Việc chuẩn bị cho 2 đội tàu rất khó khăn, thiếu thốn, dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp của cơ sở cách mạng. Máy móc, thuyền, ngư cụ phải nhờ cơ sở cốt cán mua từ TP vào, mỗi nơi một ít. Giữa lòng địch, ngày ngụy trang, đêm làm việc, 2 con tàu được gấp rút hoàn thành. Ông Đức tự hào: "Những năm ấy, thanh niên trai tráng chúng tôi tràn đầy sức sống, lòng phơi phới niềm tin phong trào cách mạng đang lên. Tuy đã từng đi biển, nhưng 6 chúng tôi chỉ đi câu ven bờ, chưa ai từng ra đại dương. Điều kiện thiếu thốn, công tác chuẩn bị sơ sài vì không đủ tiền, không có la bàn, hải đồ, con thuyền nhỏ bé khởi hành ngày 1-6-1961 từ Cồn Lợi (Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre). Đây là chuyến tàu đầu tiên từ Nam ra Bắc xin tiếp viện. Vừa đi vừa tránh địch, vượt qua sóng gió đại dương mênh mông, bằng kinh nghiệm của những người đi biển từ năm hơn 10 tuổi, 9 ngày sau, con thuyền nhỏ nhoi đã cập bờ Hà Tĩnh. Con thuyền nhỏ nhoi đã lập nên kỳ tích vượt qua sóng to, gió cả và những bất trắc giữa đại dương, đi đến đích thắng lợi.
Sau các đội tàu của Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh và Bà Rịa vượt biển ra Bắc trong đợt đầu, ngày 27-2-1962, một thuyền khác của Bà Rịa xuất phát từ Hồ Cốc (Phước Hải, Long Đất), lại tiếp tục lên đường. Đóng góp cho chuyến đi này có 10 cây vàng của bà má Nguyễn Thị Mười (Mười Riều). Ngoài việc ủng hộ vàng mua thuyền, má Mười Riều còn gửi gắm đứa con trai yêu thương Lê Hà làm thủy thủ tàu. Đến Cam Ranh, thuyền bị địch bắt. Sau khi khai thác hơn một tháng không được gì, thuyền được thả. Phải bán lưới để mua xăng dầu, ngày 19-4-1962, thuyền tiếp tục lên đường. Sau khi dạt vào đảo Hải Nam, ngày 15-5-1962, đoàn về đến Hà Nội.
Phát huy truyền thống anh hùng
Chỉ bằng trái tim đầy nhiệt huyết, 34 chiến sĩ quả cảm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa 5 con thuyền mỏng manh về đích. Gặp Bí thư Thứ nhất BCH TƯ Đảng Lê Duẩn và các đồng chí trong Bộ Chính trị, các chiến sĩ đã báo cáo tường tận tình hình đấu tranh ở các tỉnh Nam bộ, đề đạt nguyện vọng tha thiết có nhiều vũ khí để đánh giặc của đồng bào. Trong quá trình rèn luyện, học tập chính trị, văn hóa ở miền Bắc, 34 chiến sĩ của Đoàn tàu không số đã được gặp Bác Hồ. Tất cả đồng thanh bày tỏ nguyện vọng xin được thật nhiều vũ khí để về Nam đánh giặc. Bác cười: "Mỹ có thể đưa quân vào. Phải chuẩn bị đánh lâu dài, đánh thắng quân đội có trang bị hiện đại của Mỹ…". Đứng trước nhu cầu cấp bách về vũ khí, thuốc men phục vụ cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị ở miền Nam, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 - Đoàn vận tải thủy có nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển - tiền thân của Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125).
34 chiến sĩ này trở thành những thủy thủ đầu tiên trên những con tàu không số đầu tiên (Phương Đông 1, 2, 3, 4) từ Bắc chở vũ khí, cán bộ vào Nam. Suốt 15 năm, họ đã cùng những con tàu không số bền bỉ, kiên cường, làm nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho chiến trường miền Nam, đã lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, chở hàng ngàn tấn vũ khí, trang bị, hàng chục ngàn CBCS, chi viện kịp thời và hiệu quả cho chiến trường.
Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn 125 tham gia giải phóng, tiếp quản các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa. Hòa bình lập lại, những chiến sĩ của Đoàn tàu không số lại cõng từng viên gạch, hạt cát từ đất liền ra xây dựng, củng cố và giữ gìn hệ thống các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, Lữ đoàn 125 còn mở nhiều tuyến đường biển nối liền các hải cảng với nhau, nối đất liền với hải đảo: TP Hồ Chí Minh ra các đảo của huyện đảo Trường Sa; TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, Thổ Chu, Pô-lô-vai; tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế vùng biển, đảo…
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, những người lính của Đoàn tàu không số trở về với đời thường. Trong các dịp gặp mặt đồng đội cũ, CCB Đoàn tàu không số thường động viên nhau giữ gìn sức khỏe, giáo dục con cháu phát huy truyền thống anh hùng của ông cha. Họ rất tự hào: Những năm ấy, đi giữa lòng địch, thiếu thốn, khó khăn bộn bề, chỉ với lòng quả cảm, quyết tâm cháy bỏng, 34 chiến sĩ lênh đênh trên 5 con thuyền nhỏ bé đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thống nhất đất nước. Các CCB tin rằng, được thừa hưởng di sản tinh thần và vật chất của ông cha, với tiềm lực về tri thức, kinh tế vững mạnh, thế hệ con cháu hôm nay sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền, xây dựng đất nước vững mạnh, xứng tầm trong khu vực và quốc tế. Ông Nguyễn Văn Đức khẳng định: "Không những luôn giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống của ông cha, khi Tổ quốc cần, chúng tôi - những cựu binh Đoàn tàu không số sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì Tổ quốc thân yêu".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.