Không khí Tết thấm đẫm trên từng căn nhà, góc phố trong những tiếng cười vui sum họp, thì ở Bệnh viện Xanh Pôn, từng nhân viên y tế vẫn căng mình trong công việc với tư thế sẵn sàng trước mọi tình huống.
Đầu giờ chiều ngày (9-2) mùng 2 Tết, khi chiếc xe cứu thương hú còi lao vào Bệnh viện, mang theo một nạn nhân 50 tuổi với một vết thương rất lớn cắt ngang cổ, trong tình trạng vô cùng nguy kịch, đã được toàn bộ các y, bác sĩ ở Phòng khám cấp cứu của Bệnh viện tập trung cứu chữa với tất cả nỗ lực lớn nhất.
Các thầy thuốc Bệnh viện Xanh Pôn khẩn trưởng tiếp nhận bệnh nhân. |
Nạn nhân là anh Nguyễn Minh Lộc, nhà ở Sóc Sơn, Hà Nội. Gia đình cho hay, anh Lộc nghiện rượu hàng chục năm nay và sáng mùng 2 Tết, anh đã uống nhiều hơn bình thường, sau đó, dùng dao nhọn tự cắt cổ mình…
Vết thương đứt đôi khí quản, máu chảy đầm đìa, các bác sĩ không bắt được mạch, không đo được huyết áp, ngừng thở ngừng tim, toàn thân nổi vân tím, da niêm mạc nhợt nhạt, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như sợi tóc.
Trước vết thương quá nặng, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu và các bác sĩ đã vào việc bằng tinh thần hết sức khẩn trương với phương châm “còn nước còn tát”.
Bác sĩ gây mê hồi sức Trần Nguyễn Nhật nhanh chóng đặt ống nội khí quản cho thở oxy 100%, đồng thời chỉ đạo ê kíp hồi sức cấp cứu tiêm ngay Adrenalin trực tiếp vào buồng tim và ép tim ngoài lồng ngực.
Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực mạch máu Đoàn Duy Hùng đã chỉ huy ê kíp ngoại nhanh chóng cầm máu vết thương, khâu khí quản bị đứt rời…
Sau 10 phút cấp cứu tích cực và chính xác tuyệt đối, tim nạn nhân đã đập trở lại. Các bác sĩ tiếp tục khâu vết thương mất khoảng 30 phút, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và dần ổn định.
Bác sĩ Trần Nguyễn Nhật cho biết, có thể nói nạn nhân được cứu sống trong trường hợp này là một điều kỳ diệu, bởi bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng gần như không còn hy vọng. Nhưng được cấp cứu kịp thời với những chỉ định chính xác, đến ngày 3 Tết, bệnh nhân đã ổn định.
Chia sẻ về thành công khá đặc biệt này, bác sĩ Đoàn Duy Hùng bày tỏ: “Chứng kiến tình trạng bệnh nhân khi đó, chúng tôi đều hiểu, chỉ cần chậm trễ một phút, thậm chí chỉ tích tắc, là bệnh nhân sẽ tử vong. Vì vậy, chúng tôi đều làm việc hết khả năng của mình và đó là thành tích của cả tập thể, mà công đầu tiên là các bác sĩ Bệnh viện Sóc Sơn đã sơ cứu rất tốt và vận chuyển bệnh nhân nhanh nhất có thể đến với chúng tôi. Sự phối hợp ăn ý giữa ekip hồi sức cấp cứu và ekip phẫu thuật ngoại khoa có ý nghĩa quan trọng trong quyết tâm làm cho trái tim nạn nhân đập trở lại. Niềm tin về việc sẽ vượt qua thử thách để cứu sống bằng được nạn nhân chính là động lực để chúng tôi cùng quyết tâm cao trong lúc cấp cứu.
Việc đưa được bệnh nhân “từ cõi chết trở về” vào ngày mồng 2 Tết Bính Thân đã cho thấy năng lực, trình độ chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn. Điều này thêm một lần khẳng định tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền” ở một bệnh viện đã song hành hơn trăm năm tuổi cùng Thủ đô Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.