(HNM) - Đánh giá về chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: " Đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12-1972 là một biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và của trí tuệ sáng tạo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, một chiến công vẻ vang của lực lượng phòng không - không quân, của sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ...".
Nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ cho thấy vai trò to lớn của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; mà còn chỉ cho ta thấy ý nghĩa của một bài học kinh nghiệm hết sức to lớn về sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, một sáng tạo vĩ đại của Đảng ta, nhân dân ta.
Xác máy bay B52 bị bắn rơi tháng 12-1972 ở Ngọc Hà (Hà Nội). Ảnh tư liệu |
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, sự bất lực trong chiến tranh phá hoại leo thang miền Bắc, sự yếu thế trên bàn đàm phán Paris, Tổng thống Mỹ Ních Xơn cùng các phần tử cực hữu của đảng Cộng hòa đã muốn rút khỏi vũng lầy chiến tranh Việt Nam. Nhưng với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, Mỹ vẫn không muốn thừa nhận thất bại. Với âm mưu tạo thế mạnh giành quyền mặc cả những nội dung đàm phán trên bàn Hội nghị Paris, đế quốc Mỹ đã lật lọng và tráo trở quyết định sử dụng con bài cuối cùng với hy vọng dùng sức mạnh: Pháo đài bay B.52 để đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ “đồ đá”. Ngày 16-4-1972, Mỹ mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, trực tiếp oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của Thủ đô và tính chất cuộc chiến tranh, Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định “Trong cuộc đấu tranh hiện nay, Hà Nội ta có vị trí rất quan trọng, mỗi thắng lợi của Hà Nội có ảnh hưởng chung đến cả miền Bắc, đến cả nước. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân thành phố phải nhận rõ trách nhiệm của mình, quyết cùng cả nước xốc tới, kiên quyết tiến lên làm tròn nhiệm vụ của mình, quyết giành thắng lợi”.
Muốn giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề trên, trước hết phải có kế hoạch hạn chế mất mát, thiệt hại về người và của ở mức thấp nhất. Với vai trò Thủ đô nên Hà Nội tập trung các cơ quan đầu não của trung ương, Chính phủ và thành phố và cũng là nơi có mật độ dân cư cao nhất cả nước. Do đó, công tác phòng không nhân dân (PKND) được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần vào thắng lợi. Từ chủ trương của Thường vụ Thành ủy, chính quyền các cấp đã khẩn trương triển khai kế hoạch PKND bao gồm các công tác: sơ tán người, phân tán tài sản; xây dựng hệ thống hầm hào trú ẩn, công sự chiến đấu; tổ chức mạng lưới phục vụ chiến đấu và khắc phục thiệt hại chiến tranh (cứu thương, cứu hỏa, cứu sập... tổ chức thương nghiệp, dịch vụ thời chiến).
Nhận rõ sự lật lọng, dự đoán âm mưu thủ đoạn của Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa cường độ chiến tranh phá hoại, đánh phá miền Bắc mà trọng điểm là Hà Nội. Ngày 2-12-1972, thành phố đã quyết định triệt để cấp tốc sơ tán số dân còn ở lại trước 18h ngày 4-12, chỉ những người có nhiệm vụ mới được ở lại nội thành. Trước chiến dịch 12 ngày đêm 1972 (18-12), đã có 26 vạn người đi sơ tán và đến 24-12, Thành ủy quyết định sơ tán hết dân, chỉ còn khoảng 10.000 dân quân tự vệ (DQTV) ở lại nội thành chiến đấu. Từ tháng 4 năm 1972 đến ngày 29-12-1972, đã có gần 55 vạn người dân đi sơ tán. Người thân sơ tán an toàn, có được cuộc sống phần nào ổn định trong vòng tay đùm bọc của nhân dân các địa phương, những người ở lại Hà Nội làm nhiệm vụ vững lòng cầm chắc “tay búa, tay súng”.
Nhân dân đi sơ tán trong những ngày máy bay B52 Mỹ đánh phá Hà Nội năm 1972. Ảnh: Linh Ngọc |
Công tác sơ tán người và phân tán tài sản thành công, trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh là một phần không thể thiếu, góp vào chiến thắng vĩ đại chung của dân tộc. Thành công này không chỉ có ý nghĩa, tác dụng thiết thực cho cuộc chiến đấu trước mắt, mà còn ý nghĩa hết sức quan trọng khi khôi phục lại cuộc sống sau chiến tranh.
Mỹ sử dụng số lượng lớn lực lượng không quân vào loại hiện đại bậc nhất thế giới để tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong 12 ngày đêm 1972, Mỹ đã huy động lực lượng tổng lực chiến lược mà nòng cốt là B.52 cùng nhiều chủng loại máy bay chiến thuật hiện đại khác như F.111 “cánh cụp, cánh xòe”. “Pháo đài bay B.52” là niềm tự hào của không quân Mỹ. Trong điều kiện không tương xứng về vũ khí, phương tiện, để đánh trả có hiệu quả và giành thắng lợi, là một bài toán cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải có cách đánh thích hợp với một quyết tâm lớn. Trên cơ sở phát huy thế trận chiến tranh nhân dân của Đảng, Chính phủ, Thành ủy đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng cho được lực lượng PKND với ba thứ quân vững chắc, khai thác tối đa khả năng mọi vũ khí, từ thông thường đến hiện đại và phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Song song với củng cố lực lượng phòng không chính quy, hiện đại (Sư đoàn phòng không 361), Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chỉ huy tích cực công tác tổ chức và kiện toàn các đơn vị dân quân “tay cày, tay súng” (ở ngoại thành) và tự vệ “tay búa, tay súng” (ở nội thành), đến tháng 12-1972, đã có 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng các loại ở 295 trận địa. Các đơn vị tự vệ vừa bám chắc nhiệm vụ sản xuất, vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu, khắc phục địa hình chật hẹp và tầm bắn hạn chế, hầu hết tận dụng nóc nhà cao tầng trong nội thành để bố trí các trận địa súng máy cao xạ (12,7 ly, 14,5 ly...). Ở các khu phố của Ba Đình, Hoàn Kiếm… ta bố trí hỏa lực tự vệ dày đặc. Như vậy, với lực lượng DQTV có nhiệm vụ đánh máy bay địch ở tầm thấp, xen kẽ và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị pháo cao xạ (37 ly, 57 ly, 100 ly) và những giàn tên lửa SAM 2 của bộ đội phòng không chính quy, hiện đại đánh địch ở tầm trung và tầm cao, chúng ta có lưới lửa phòng không dày đặc của ba thứ quân, tạo thế trận nhiều tầng, nhiều lớp được tổ chức chặt chẽ theo mệnh lệnh chỉ huy thống nhất, vừa có trọng điểm, vừa có thể cơ động nhanh; có thể đánh địch ở các độ cao khác nhau, đồng thời có đủ sức chiến đấu liên tục ngày đêm, bám theo các trục đường bay và nắm quy luật bay của địch để sẵn sàng “đón lõng” tổ chức đánh trả lực lượng không quân Mỹ đạt hiệu quả cao. Tư tưởng về thế trận chiến tranh nhân dân đã được Đảng bộ Hà Nội chỉ đạo các cấp ủy, tùy theo hoàn cảnh địa phương mà vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới chiến đấu với lực lượng không quân hùng mạnh, hiện đại bậc nhất thế giới của Mỹ.
Lưới lửa PKND của quân dân Thủ đô là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trên địa bàn đô thị Thủ đô góp phần đánh bại âm mưu, hành động kẻ cướp, ngông cuồng của đế quốc Mỹ, giành chiến thắng vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đầu mối giao thông (đường bộ, đường sắt, đường sông, đường không) của cả nước. Đây cũng là địa bàn có nhiều kho hàng chiến lược, nơi tập trung khối lượng hàng hóa khổng lồ để chi viện cho chiến trường miền Nam và phục vụ cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Vì vậy, giữ gìn trật tự an toàn các sân ga, bến bãi, duy trì giao thông là bảo đảm cho thành phố sống, chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam. Quán triệt tinh thần trên, Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, ngành giao thông vận tải và các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ Thủ đô có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho những chuyến xe chở người, chở hàng an toàn, thông suốt. Hàng hóa ở các kho lớn như: Đông Anh, Yên Viên, Giáp Bát... được gấp rút phân tán về các kho nhỏ. Những cây cầu nối huyết mạch giao thông bị bom Mỹ phá hỏng, như: Long Biên (gãy hai nhịp tháng 5-1972), Đuống (hỏng nặng tháng 7-1972), lập tức, các cầu phao, các loại phà... được gấp rút nghiên cứu, thay thế tạm thời. Các bến phà Chương Dương, Khuyến Lương, Đông Trù… luôn bảo đảm xe qua. Dưới lòng sông phát hiện có bom chưa nổ, lập tức có công binh hoặc dân quân tự vệ dũng cảm rà phá. Các cầu cảng, nhà ga trung tâm thường xuyên bị đánh phá ác liệt, nhưng công nhân vẫn duy trì bốc xếp, chuyên chở để các chuyến hàng không bị ách tắc.
Trên các tuyến đường ra vào Thủ đô, các đơn vị DQTV, TNXP vừa tham gia chiến đấu, vừa ứng trực san lấp hố bom, bám cầu, phà, mặt đường, làm đường vòng, đường tránh cho xe, bảo đảm sự thông suốt của các mạch máu giao thông. Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của chiến tranh, công nhân điện, nước, các thầy thuốc, phát thanh viên, bưu điện... vẫn kiên cường bám trụ, phục vụ cuộc chiến đấu. Bác Nguyễn Tài Tiến ở 25 Cửa Nam, nguyên là Trung đội trưởng tự vệ Xí nghiệp sửa chữa xe đạp, đơn vị có trận địa súng phòng không trên nóc nhà 220 phố Hàng Bông khi đó đã nhớ lại những ngày cuối tháng 12 năm 1972 nóng bỏng: “Khi đó, B.52 rải thảm Hà Nội, bom đạn sáng ngợp trời, máu rơi, nhà đổ… nhưng lòng người vẫn đứng vững”. Trong những ngày bom đạn Mỹ đánh phá dữ dội Hà Nội, giữa những chết chóc đau thương và đổ nát, các nhà báo nước ngoài thường nhắc đến câu trả lời của một nữ tự vệ là nhân viên khách sạn Thống Nhất: “Nhà cửa có thể sập, nhưng có một thứ không thể sập được! đó là con người”. Con người Hà Nội, con người Việt Nam không thể sập được, Alanh Oátxmơ (Pháp) xác nhận: “Tôi đã tận mắt nhìn thấy cái bình thản, tinh thần dũng cảm hàng ngày của những người Hà Nội bình thường. Mỗi ngày qua, gặp họ đi ngoài đường với bước đi trầm tĩnh lạ lùng, tôi càng tin là không có gì có thể làm cho họ sụp đổ được”. Những câu nói thật giản dị, khiêm nhường nhưng thật kiên định và đầy quyết tâm sắt đá, mang hơi thở một thời lửa đạn anh dũng, kiên cường và như một minh chứng cho bản chất tâm hồn và tính cách người Hà Nội. Đến Hà Nội trong những ngày lửa đạn ngút trời, vậy mà một nữ ký giả Bungari lại tìm thấy sự thanh thản của chính tâm hồn mình và chị đã gọi Hà Nội là: “Thủ đô của phẩm giá và lương tri con người”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.