(HNM) - Số liệu thống kê chính thức vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, giá trị kim ngạch nhập khẩu của nước này trong tháng 5 đã giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2014, xuống còn 803,33 tỷ nhân dân tệ (NDT) và là tháng giảm thứ bảy liên tiếp.
Trong khi đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp, nhưng mức giảm chỉ là 2,8%, xuống còn 1.170 tỷ NDT, khiến thặng dư thương mại trong tháng 5 tăng 65% lên 366,8 tỷ NDT. Giới phân tích nhận định, dấu hiệu trên cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy yếu, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh như hạ lãi suất ba lần (kể từ tháng 11-2014) và hai lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.
Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc sau thời gian dài tăng trưởng nóng. |
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 5 chủ yếu do giá nhập khẩu các mặt hàng từ dầu thô đến quặng sắt đều giảm mạnh so với một năm trước. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch nhập khẩu giảm còn phản ánh rõ thực tế là nhu cầu nội địa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm. Giao dịch thương mại chững lại vào thời điểm đầu tư suy giảm khiến mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra trong năm nay đang bị đe dọa. Trước những khó khăn, thách thức này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế lớn nhất Châu Á sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% trong năm 2015 và 6,25% trong năm 2016. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khủng hoảng kinh tế khó có thể xảy ra tại Trung Quốc nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao khi chính những cải cách là một phần nguyên nhân làm chậm nhịp độ tăng trưởng.
Thách thức của kinh tế Trung Quốc xuất phát phần nhiều do "bong bóng" địa ốc tại quốc gia này "xì hơi". Những năm qua, Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản nhằm dịch chuyển vốn từ thị trường này sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Thế nhưng, thị trường bất động sản đi xuống đã ảnh hưởng bất lợi tới các ngành nghề khác đồng thời làm suy giảm nguồn thu của các địa phương phụ thuộc vào bất động sản. Đây cũng là một rào cản tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Khi phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng yếu và lãi suất thực tế cao, các doanh nghiệp tư nhân muốn trả bớt nợ hơn là đầu tư tăng công suất. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại các biện pháp cải cách hiện có sẽ không đủ mạnh để kéo nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Từng được biết đến là "đại công trường" của thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP cao ngất ngưởng, ở mức hai con số. Ngay cả mức tăng trưởng 7% cũng là mơ ước của hầu hết các quốc gia. Thế nhưng, đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến giới phân tích thực sự lo ngại, bởi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm cũng là lý do tạo nên cơn bán tháo trên thị trường hàng hóa toàn cầu trong hai năm gần đây. Theo cảnh báo của IMF, kinh tế Trung Quốc suy yếu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả khu vực Châu Á bởi vai trò chi phối thị trường của nền kinh tế đầu tàu châu lục.
Để tìm lời giải cho bài toán giảm tốc của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng thời hoán đổi nợ khi chuyển nợ thành trái phiếu cho các chính quyền địa phương bảo đảm nguồn tài chính để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, sẽ phải mất một thời gian, các cải cách kinh tế của Trung Quốc mới có thể phát huy hiệu quả và Bắc Kinh cần phải có thêm nhiều cải cách để đạt được sự phục hồi bền vững. Và muốn đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh cần theo đuổi những cải cách sâu rộng hơn.
Sau những thập kỷ tăng trưởng như vũ bão khiến quốc gia đông dân nhất hành tinh "hóa rồng", mô hình trở thành "công xưởng của thế giới" của Trung Quốc đã bộc lộ những điểm yếu khi tình hình kinh tế, xã hội, chính trị toàn cầu có nhiều thay đổi. Vì thế, có ý kiến cho rằng điều quan trọng với kinh tế Trung Quốc hiện nay là sự chuyển đổi trong cơ cấu. Như khuyến nghị của một chuyên gia kinh tế Nhật Bản, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc không đáng quan ngại nếu như nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển trên cơ sở lành mạnh hơn, có khả năng tạo thêm việc làm cho người dân và thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.