(HNM) - Theo dự báo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) công bố ngày 24-7, khu vực Nam Mỹ sẽ đạt tăng trưởng 3% trong năm nay.
Con số này vẫn tương đương với năm ngoái nhưng lại giảm so với mức 3,5% mà ECLAC dự báo trước đó. Sự điều chỉnh được đưa ra sau khi cơ quan của LHQ giảm dự báo tăng trưởng của Brazil và Mexico, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực. Theo bà Alicia Barcena, Thư ký thường trực ECLAC, tăng trưởng của Brazil trong năm nay chỉ là 2,5%, cao hơn mức 0,9% của năm 2012, song không đạt được kỳ vọng như dự đoán trước đó. Sự giảm sút của nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh được xác định là do xuất khẩu giảm và đầu tư thiếu năng động. Trong khi đó, Mexico cũng gặp không ít khó khăn do sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục bị sụt giảm khá nặng nề. ECLAC tính toán rằng tăng trưởng của trụ cột thứ hai tại Nam Mỹ chỉ duy trì ở mức 2,8%, giảm so với con số khá ấn tượng 3,9% của năm ngoái.
Kinh tế khu vực Mỹ Latinh dự báo giảm tăng trưởng do xuất khẩu giảm sút. |
Thực tế là trước những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, đà tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc và triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế Mỹ, kinh tế Mỹ Latinh vẫn được coi là ổn định trong thời điểm này. Trong gần một thập kỷ qua, năm nào Mỹ Latinh cũng qua mặt Châu Âu về tốc độ tăng trưởng kinh tế và dự kiến sẽ tiếp tục vượt Lục địa già vào năm nay. Dẫu vậy, vấn đề của Mỹ Latinh là sự phát triển kinh tế không đồng đều. Brazil và Argentina, nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba khu vực đã tăng trưởng khá yếu ớt trong năm 2012 với mức tăng lần lượt là 1,2% và 2,2%. Năm 2013, kinh tế Brazil cũng không có triển vọng sáng sủa sau hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra gần đây. Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Dilma Rousseff được cho là đã có nhiều sai lầm trong điều hành kinh tế. Chính quyền đã can thiệp quá nhiều vào thị trường hối đoái nhằm làm sụt giá đồng real, thực hiện bảo hộ mậu dịch, tăng thuế 25% đối với 100 mặt hàng năm 2012, tăng sự kiểm soát lên 60% đối với các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí, điện lực, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng. Do đó, từ vị trí "con cưng" của Phố Wall, năm 2012, đầu tư nước ngoài vào Brazil sụp đổ. Tuy nhiên, những diễn biến tại Brazil không phải là điều quá bất ngờ. Trong đà suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, để giữ được phép màu kinh tế chắc chắn không dễ dàng đối với các nước mới nổi. Bên cạnh đó, động lực kinh tế Mỹ Latinh khá đơn điệu và được xác định là cần phải đa dạng hóa hơn nữa. Hiện tại, có nhiều nền kinh tế trong khu vực lệ thuộc vào một ngành hoặc một loại hàng hóa. Đơn cử như kinh tế Chile dựa vào các mỏ đồng, Venezuela dựa vào dầu mỏ hay khu vực Caribbe dựa vào du lịch.
Sự thụt lùi của kinh tế Nam Mỹ một phần quan trọng là do kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ ba của khu vực. Theo dự báo, nền kinh tế số hai thế giới đã giảm tốc và ước tính chỉ ở mức 7,5% trong năm nay. Theo các nhà phân tích, cơn khát của Bắc Kinh về nông sản, nhiên liệu và kim loại - các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ Latinh - đã giúp khu vực này ứng phó tốt hơn với những biến động kinh tế, tài chính quốc tế thời gian qua. Không chỉ là bạn hàng lớn, Bắc Kinh còn là nhà đầu tư quan trọng của Mỹ Latinh. Theo Cơ quan nghiên cứu đối thoại liên Mỹ (Mỹ), năm 2010 Trung Quốc đã cho các nước Mỹ Latinh vay 37 tỷ USD, nhiều hơn con số 30 tỷ USD do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp cho khu vực, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) và Ngân hàng Xuất - nhập khẩu của Mỹ cấp cho khu vực này. Tín dụng của Trung Quốc giữ vai trò quan trọng đặc biệt đối với Venezuela và Ecuador trong bối cảnh hai quốc gia theo đường lối cánh tả này gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng của các thể chế tài chính đa phương. Vì vậy, một khi kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, Mỹ Latinh có thể mất nguồn cung cấp vốn quan trọng.
Viện Tài chính quốc tế (IIF), tổ chức tập hợp các ngân hàng thương mại và đầu tư quan trọng nhất thế giới cũng đã cảnh báo việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nước Mỹ Latinh. Để tránh bị tác động tiêu cực bởi tình hình trên, IIF khuyến cáo các nước trong khu vực phải bảo đảm tính cạnh tranh của khu vực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách giáo dục, mềm dẻo hơn đối với thị trường lao động và giảm thâm hụt ngân sách. Dù có phong độ không đến nỗi nào so với các khu vực khác, nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn vô cùng khó khăn, khu vực tương đối năng động này của thế giới lại đang đứng trước những thách thức tiềm ẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.