(HNM) - Tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh đạt những chỉ tiêu tăng trưởng khá ổn định, hoạt động sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, những tháng còn lại vẫn luôn tiềm ẩn khó khăn nên TP sẽ thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ cho doanh nghiệp, cho thị trường, thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng trưởng khá
Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, những dấu hiệu tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2013 dù giảm 10,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 18,3% so với tháng cùng kỳ năm 2012, là mức tăng cao nhất trong những năm gần đây. Trong 39 ngành sản xuất, có 36 ngành tăng và chỉ có 3 ngành giảm. Các ngành tăng nhiều là xi măng tăng gần 80%; nhóm mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa của ngành hóa chất tăng gần 62%; giày dép tăng 57%; thuốc, hóa dược, dược liệu tăng hơn 51%… Các nhóm giảm gồm sản phẩm điện tử gia dụng giảm 35,5%; xe ô tô giảm hơn 6%… Chỉ số tồn kho cũng giảm xấp xỉ 6% so với tháng 12-2012. Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp, chỉ số công nghiệp tăng, đặc biệt xi măng tăng mạnh là dấu hiệu tốt cho sản xuất 2013.
Tháng 1-2013, chỉ số công nghiệp của TP Hồ Chí Minh có bước tăng trưởng đáng khích lệ. |
Khu vực dịch vụ - thương mại cũng tăng khá cao. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 1 ước đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ và tăng 3,2% so với tháng 12-2012. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giảm so với tháng trước nhưng đều tăng mạnh so với cùng kỳ khi xuất khẩu ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 42,2% so với cùng kỳ (giảm 2,9% so với tháng trước); kim ngạch nhập khẩu ước 2 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ (giảm 9,9% so với tháng trước).
Tin từ Ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (Hepza) cũng cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu khả quan. Trong tháng 1, Hepza đã thu hút 15 dự án đầu tư (cấp mới là 7 dự án và điều chỉnh 8 dự án). Hepza dự kiến quý I thu hút khoảng 250 triệu USD (hoàn thành 50% kế hoạch của năm) nhờ có 2 tập đoàn lớn đã nộp đơn tăng vốn với 145 triệu USD. Trong tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp giải thể cũng ít đi. Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, từ ngày 1 đến 15-1-2013 có 981 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 9% so với cùng kỳ; trong khi đó số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 138 (tăng 14%), nhưng đây là số lượng từ năm 2012 chuyển sang chứ không phải trong năm 2013.
Chưa vơi khó khăn
Dù vậy, thị trường không phải là đã suôn sẻ. Theo Sở Công thương, sở dĩ các chỉ số đều tăng mạnh so với cùng kỳ là do tháng 1-2012 rơi vào Tết Nguyên đán, ngày nghỉ nhiều. Còn tháng 1 năm nay là tháng các doanh nghiệp tập trung lực cho sản xuất, nhìn chung tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Minh chứng rõ nhất là sức mua vẫn còn thấp dù tháng 1 là tháng mà người tiêu dùng tập trung mua sắm cho Tết Nguyên đán và các doanh nghiệp đang liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi. Hiện nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa đầy đủ cho 3 tháng trước, trong và sau tết như Saigon Co.op chuẩn bị 4.000 tỷ đồng hàng hóa; Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chuẩn bị gần 20.000 tấn gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt chế biến; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn chuẩn bị 150 tấn thịt gia súc, 100 tấn thịt gà thả vườn, 50 tấn thịt chế biến… Tuy nhiên, đánh giá sự tăng trưởng của thị trường thì hầu hết các doanh nghiệp đều rất dè dặt.
Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong một tháng chưa thể đánh giá được tình hình của cả năm nhưng với các chỉ số đã nêu cho thấy sản xuất, kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng, chỉ số tồn kho giảm 5,9% là tốt nhưng Sở Công thương cần nắm rõ các mặt hàng nào giảm tồn kho nhanh, mặt hàng nào không tiêu thụ, nguyên nhân… bên cạnh đó phải phân tích các ngành nào, lĩnh vực nào đang hồi phục sản xuất, kinh doanh để giúp doanh nghiệp có phương án phát triển phù hợp. Trong năm 2013, nhiệm vụ ưu tiên của TP Hồ Chí Minh là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa… Hiện thành phố đang tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết 02 như giãn thuế thu nhập doanh nghiệp quý I-2013, gia hạn thuế giá trị gia tăng tháng 1, 2, 3, giảm 50% tiền thuê đất, sử dụng đất… Đặc biệt, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể về phương cách giải quyết mặt hàng tồn kho nhiều là bất động sản theo Nghị quyết 02 để giải tỏa thị trường, tạo điều kiện cho người lao động có nhà ở và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.