Kinh tế

Kinh tế Thủ đô khởi sắc với nhiều thành tựu ấn tượng

Thanh Hiền

11 tháng của năm 2024, kinh tế Thủ đô Hà Nội đã đạt những thành tựu ấn tượng. GRDP tăng 6,12% so với cùng kỳ năm 2023 (dự kiến cả năm đạt khoảng trên 6,5%); kim ngạch xuất khẩu tăng 15,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9%... Những con số tăng trưởng trên cho thấy kinh tế Thủ đô có sự phục hồi rõ nét, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng chung.

Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng

huyen-me-linh.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nhật Nam

Theo Cục Thống kê Hà Nội, 11 tháng năm 2024, toàn thành phố thu hút 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, đăng ký cấp mới 258 dự án, với số vốn đầu tư đạt 1,2 tỷ USD.

Cũng 11 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 780,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch đạt 10,3 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,1%.

Nhận định về kết quả trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, nhờ triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ngành Công Thương trong năm 2024 tiếp tục hồi phục tích cực, với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của thành phố.

“Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, từng bước hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và giá trị cao trong chuỗi sản xuất… từ đó đóng góp vào phát triển kinh tế”, bà Nguyễn Kiều Oanh thông tin.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn cho biết, kết quả này cho thấy nỗ lực cũng như sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Trước tình hình nhiều thị trường truyền thống giảm đơn hàng, Hapro đã tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến...

Năm 2025, xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vào sáng 4-12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, năm 2024, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. GRDP 9 tháng năm 2024 tăng 6,12% (cùng kỳ tăng 5,99%). Dự kiến cả năm 2024, GRDP của thành phố tăng khoảng trên 6,5% (cùng kỳ tăng 6,27%).

Về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1, GRDP sẽ tăng 6%-6,5%; GRDP/người đạt 171,5-172,4 triệu đồng. Kịch bản 2 (cơ sở), GRDP đạt mức tăng 6,5-7,5%; GRDP/người đạt 172,4-174 triệu đồng. Kịch bản 3 (cao), GRDP tăng trên 8%; GRDP/người đạt trên 175 triệu đồng.

Để thực hiện các nội dung trên, Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, đi đôi với kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế; tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào Thủ đô.

Đồng tình với giải pháp của thành phố, các chuyên gia kiến nghị, Hà Nội tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bởi Hà Nội là trung tâm khoa học, công nghệ, đầu mối giao lưu với nhiều lợi thế.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; hoàn thiện hạ tầng để sẵn sàng thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch. Đặc biệt, Hà Nội hoàn toàn có thể đi đầu trong phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế Hà Nội có lợi thế, tiềm năng, gồm: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn, dịch vụ logistics, thương mại điện tử, du lịch, giáo dục, y tế...

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, trong sự phát triển của Hà Nội không thể không nhắc đến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, từ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đến đổi mới sáng tạo…

Từ nay đến năm 2030, các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn dẫn đầu các xu hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Vai trò của doanh nghiệp sẽ ngày càng quan trọng hơn.

"Vì vậy, chúng tôi mong thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tiếp tục đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, với nền công vụ hiện đại, cán bộ, công chức thực sự vì doanh nghiệp, vì người dân; đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động tiếp xúc, đối thoại…", ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân: Kỳ vọng vào các giải pháp phát triển kinh tế

Ở góc độ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi rất kỳ vọng vào các giải pháp phát triển kinh tế năm 2025 được các cấp chính quyền thành phố đề ra. Đó là những công việc trọng điểm về quy hoạch, giao thông công cộng, môi trường, chuyển đổi số, thành lập trung tâm hành chính công... Với những kết quả đạt được trong năm 2024, kinh tế Thủ đô, diện mạo đô thị Thủ đô ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Bước sang năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất chính quyền thành phố tiếp tục tập trung triển khai các dự án lớn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tạo mặt bằng sạch để nhà đầu tư cùng các đối tác nước ngoài kịp xây dựng, hoàn thành các tổ hợp sản xuất, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị thành phố tiếp tục tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư trong nước và quốc tế; kiến tạo thêm môi trường và không gian hợp tác kinh tế sâu rộng cùng các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp của Hà Nội. Chúng tôi cũng mong thành phố quan tâm, thúc đẩy khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, công nghệ cao.

Quang Minh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Thủ đô khởi sắc với nhiều thành tựu ấn tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.