Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Châu Âu: Có dấu hiệu “hụt hơi”

Phương Quỳnh| 03/10/2014 05:59

(HNM) - Đà phục hồi mong manh của nền kinh tế Cựu lục địa đang đứng trước những tín hiệu bất ổn mới khi báo cáo từ Cơ quan thống kê Châu Âu (Eurostat) gần đây cho thấy, lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua.

Nhu cầu tiêu dùng giảm ảnh hưởng lớn tới các nhà sản xuất tại EU.


Theo Eurostat, lạm phát trong Eurozone giảm từ 0,4% tháng 8 xuống còn 0,3% trong tháng 9. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đến đỉnh điểm tháng 10-2009. Trong khi đó, tỷ lệ người thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục 11,5% lực lượng lao động, (không thay đổi so với tháng trước đó). Theo các chuyên gia kinh tế, thông thường lạm phát dưới 1% đã được xếp vào mức cần được cảnh báo vì đây là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng giảm chi tiêu, các hộ gia đình giảm cầu và các doanh nghiệp duy trì mức giá thấp. Điều này làm gia tăng những quan ngại rằng, nền kinh tế vốn đã trì trệ của Cựu lục địa có thể lại rơi vào suy thoái. Những số liệu kinh tế kém tích cực này có thể sẽ làm tăng sức ép đối với ECB trong việc cần phải thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế đang có dấu hiệu "hụt hơi" trên toàn châu lục.

Trong khi đó, ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn kinh tế và địa chính trị tiếp tục gia tăng đối với các nhà sản xuất. Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại các biện pháp trừng phạt hay trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine sẽ khiến đà tăng trưởng của Eurozone tụt dốc. Ngay sau lệnh cấm nhập khẩu nông sản thực phẩm của các nước phương Tây do Nga đưa ra, nhiều nước nhỏ ở Châu Âu đã và đang bị tác động vì nền nông nghiệp của họ vốn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ ở Nga. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Ba Lan, Latvia, Czech, Hà Lan, Bỉ với ước tính thiệt hại hơn 5 tỷ euro. Ngay nền kinh tế "anh cả" của Eurozone là Đức cũng bắt đầu "ngấm đòn". Chỉ số niềm tin kinh tế của Đức trong tháng 8 đã giảm từ 27,1 điểm xuống còn 8,6 điểm, mức thấp nhất trong 20 tháng qua. Tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn đối với hai nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba của Châu Âu là Pháp và Italia.

Sự giảm tốc của kinh tế dẫn tới những lời kêu gọi ECB nhanh chóng đưa ra biện pháp kích thích để hỗ trợ tăng trưởng. Và trên thực tế, Jean-Claude Juncker, người sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) vào tháng 11 tới, đã kêu gọi thực hiện kế hoạch đầu tư trị giá 300 tỷ euro (388 tỷ USD) với nguồn vốn từ cả nhà nước lẫn tư nhân để chấn hưng nền kinh tế. Một lựa chọn khác được đề cập là khả năng phát hành trái phiếu được chính phủ bảo đảm cho các dự án đầu tư lớn (còn gọi là trái phiếu dự án), một kế hoạch được cho là có lợi cho toàn bộ 28 nước thành viên EU. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào của ECB cũng sẽ đòi hỏi sự phối hợp của nhiều quốc gia với chính sách tài khóa không giống nhau. Tình trạng này dẫn đến những ý kiến quan ngại về một vấn đề đã từng khiến Châu Âu điêu đứng trong thời gian khủng hoảng nợ công. Đó là, EU có chính sách tiền tệ chung, nhưng không có chính sách tài khóa chung, khiến các thành viên không thể đạt được sự thống nhất trong biện pháp đối phó khủng hoảng.

Đến nay đã có nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư trên toàn Châu Âu được đưa ra thảo luận. Song, các lựa chọn xem ra vẫn hạn chế do khu vực còn không ít vấn đề về ngân quỹ và chi tiêu chưa được giải quyết. Tình hình càng trở nên khó khăn trong bối cảnh hầu hết chính phủ các nước EU đều thâm hụt ngân sách. Vì vậy, cuộc họp về chính sách hằng tháng của ECB ngày 2-10 không đưa ra được giải pháp đột phá cũng là điều không mấy bất ngờ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Châu Âu: Có dấu hiệu “hụt hơi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.