Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Châu Á trước nguy cơ giảm tốc

Đình Hiệp| 20/07/2013 06:45

(HNM) - Được khẳng định là một trong những đầu tàu quan trọng kéo nền kinh tế toàn cầu thế nhưng

Không phải chứng kiến cảnh ảm đạm như Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) với việc nhiều nền kinh tế thành viên liên tục tăng trưởng âm do bão nợ công, nhưng sự giảm tốc đột ngột của nhiều "đại gia" kinh tế tại khu vực chiếm tới 60% dân số thế giới sau thời gian dài tăng trưởng đáng ngưỡng mộ đã trở thành mối quan tâm lớn trong bối cảnh hiện nay.

Sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc tác động đến tăng trưởng của khu vực Châu Á.



Tuy chưa thể hiện toàn bộ thực trạng "sức khỏe" của hầu hết 45 nền kinh tế khu vực, nhưng phụ trương báo cáo "Triển vọng phát triển Châu Á 2013" vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố đã phải hạ dự báo tăng trưởng GDP của châu lục trong năm 2013 từ mức 6,6% xuống còn 6,3%. Tương tự, con số này cho năm 2014 là từ 6,7% xuống 6,4%. Trái ngược với những gì đang diễn ra tại phần còn lại của thế giới, phần lớn các nền kinh tế phát triển tại Châu Á đều đạt mức tăng trưởng như mong đợi, trong khi các nền kinh tế đang phát triển lại chưa đạt mức dự báo. Trong đó, nhu cầu từ các nước công nghiệp chủ chốt sụt giảm đáng kể cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc là hai nguyên nhân được ADB cho là quan trọng nhất kéo đà tăng trưởng của khu vực đi xuống.

Là nền kinh tế lớn nhất Châu Á, dấu hiệu suy giảm ngày một rõ ràng hơn của kinh tế Trung Quốc đang gây những hiệu ứng domino với các đối tác tại khu vực và toàn cầu. Thời kỳ hoàng kim liên tục đạt tăng trưởng GDP ở mức hai con số của nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân này dường như đang qua đi khi báo cáo mới nhất của ADB đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay từ 8,2% xuống còn 7,7% và từ 8% xuống 7,5% trong năm 2014. Dự báo trên được cho là có cơ sở khi số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, tăng trưởng GDP của nước này trong quý II vừa qua chỉ đạt 7,5%.

Nếu so sánh với mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra ở mức 7,5% cho năm 2013 và trung bình 7% trong thời kỳ 5 năm đến năm 2015, những dự báo của ADB không có sự cách biệt quá lớn. Đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang chủ động siết tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro trên thị trường tài chính, đồng thời đẩy mạnh chính sách tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đưa tăng trưởng về mức bền vững hơn thì việc chỉ số GDP bị ảnh hưởng là khó tránh khỏi. Thế nhưng, sự giảm tốc hiện có đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu ở Trung Quốc, do tình trạng dư thừa nguồn cung và giá cả sụt giảm. Ngoài ra, đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã có tác động đến sự phục hồi của kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt là những đối tác kinh tế phụ thuộc vào thị trường xuất - nhập khẩu của Trung Quốc.

Một loạt nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Tây Á, Nam Á… dù ở mức độ khác nhau nhưng cũng đều bị ADB hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay cũng như năm 2014, ngoại trừ Nhật Bản. Do đó, vượt qua đà giảm tốc kinh tế đang trở thành thách thức gay gắt với Châu Á. Theo nhận định của ADB, sự phục hồi của kinh tế khu vực đang phải đối mặt với những rủi ro như dòng vốn lớn có thể gây ra bong bóng tài sản, tăng trưởng yếu tại Mỹ, các biện pháp khắc khổ được áp dụng ở Châu Âu và đặc biệt là căng thẳng an ninh xung quanh tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực… Tất cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan này đang đặt ra nhiều thách thức cho nhà lãnh đạo các nền kinh tế Châu Á trong việc giải bài toán tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, bền vững mà lại tránh rơi vào vòng xoáy trì trệ với những hậu quả đáng ngại về mặt xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Châu Á trước nguy cơ giảm tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.