Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Thanh Trì

Nguyễn Mai| 10/03/2023 07:23

(HNM) - Theo kế hoạch, huyện Thanh Trì phấn đấu đến hết năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, quá trình triển khai có trọng tâm, trọng điểm, làm đâu chắc đó…, đến nay Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 15/15 xã, trước kế hoạch 2 năm, vượt mục tiêu đề ra.

Mô hình nuôi cá “sông trong ao” tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Then chốt là sự vào cuộc của người dân

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho rằng, kết quả đạt được hôm nay là cả chặng đường dài huyện đã nỗ lực, tập trung nâng cấp các tiêu chí hạ tầng, nâng cao đời sống người dân. Chính vì vậy, khi Chính phủ và thành phố Hà Nội ban hành bộ Tiêu chí đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đều cơ bản đạt. Đặc biệt, 2022 là năm huyện có bứt phá quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, thông qua việc triển khai đồng bộ tất cả các kế hoạch, giải pháp.

Huyện Thanh Trì xác định sự vào cuộc của người dân có vai trò then chốt để thực hiện các phần việc cụ thể, phù hợp với từng địa bàn dân cư; còn chính quyền cơ sở đóng vai trò thúc đẩy, hỗ trợ những nội dung, phần việc mà người dân không tự thực hiện được. Đến nay, người dân Thanh Trì đã được thụ hưởng cơ sở hạ tầng ngày một hiện đại, có nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho bản thân.

Tại xã Đại Áng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Làm nón ở Hợp tác xã Nón lá Vĩnh Thịnh; nuôi cá “sông trong ao” ở Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng. Xã có 5 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng) Nguyễn Bá Ky cho biết, nghề làm nón của thôn đã được thành phố công nhận là Làng nghề truyền thống, tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ ở Đại Áng, diện mạo nông thôn mới khang trang, kinh tế phát triển nhanh đang hiện hữu ở các xã khác của Thanh Trì. Điển hình là xã Ngũ Hiệp, giá trị sản xuất trên địa bàn đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chỉ còn 2,2%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 27,4%; thương mại, dịch vụ 70,4%. Trên địa bàn xã có 54 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động hiệu quả…

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc bao lâu nay ở huyện đã được cải thiện rõ rệt. Để có được kết quả đó, Thanh Trì đã triển khai các cuộc vận động chỉnh trang đô thị; chỉ đạo các xã, thôn cải tạo ao hồ và các dòng sông chảy qua. Thanh Trì cũng rà soát lại toàn bộ quỹ đất công của huyện để siết chặt quản lý, quy hoạch làm khu vui chơi cho người dân, tạo “lá phổi xanh” trong các khu dân cư.

Tiền đề phát triển lên quận

Nếu như năm 2021, huyện Thanh Trì mới có 1 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao là Liên Ninh, thì đến nay, huyện đã có thêm 14 xã, đạt 100% số xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Kết quả này đã giúp huyện về đích vượt thời gian so với mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trước 2 năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thanh Trì thêm một lần nữa khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tự hào về quê hương, khích lệ tinh thần đoàn kết, thống nhất, tạo sự đồng thuận rất cao trong người dân. Việc xây dựng nông thôn mới của Thanh Trì gắn với xây dựng từ huyện lên quận, tạo ra bộ khung đô thị văn minh, hiện đại. Đây cũng là bước đi căn cơ, góp phần giải quyết những vấn đề chuyển tiếp giữa đô thị và nông thôn, góp phần gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của làng quê trong phố, phường tương lai.

Gắn với xây dựng nông thôn mới, các thế hệ người dân Thanh Trì luôn ý thức trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thường xuyên đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Huyện cũng đã xây dựng đề án tôn tạo các di tích và phát huy giá trị truyền thống của các lễ hội, các điệu múa cổ trên địa bàn. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động, định hướng người dân lấy truyền thống tốt đẹp để đưa vào hương ước, quy ước của làng, giữ lại bản sắc tốt đẹp của làng quê trong sự phát triển đô thị. Đồng thời, quảng bá và giới thiệu truyền thống văn hóa tốt đẹp đó đến nhân dân cả nước và thành phố Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho hay.

Phó Chánh Văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn đánh giá, so với các xã được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, các xã của huyện Thanh Trì đạt kết quả nổi bật nhất, các tiêu chí đều có số điểm gần như tuyệt đối. Kết quả đạt được là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các xã và của huyện Thanh Trì, là kinh nghiệm để các địa phương khác của thành phố tham khảo, học tập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Thanh Trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.