Chính trị

Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024:Bài cuối: Quyết tâm cao nhất đưa luật vào cuộc sống

Nhóm phóng viên 05/07/2024 - 06:15

Dù từ góc độ nào, chúng ta cũng đều thấy rõ, Luật Thủ đô năm 2024 là “cơ hội vàng” tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới.

Các văn bản cụ thể hóa sớm đưa luật đi vào cuộc sống sẽ từng bước được hoàn thiện; nhưng để “cơ hội vàng” đem lại sức bật mới, động lực mới đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Tất cả cần được thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm và ý chí quyết tâm cao nhất.

luat-thu-do-nam-2024-di-vao.jpg
Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống đem lại sức sống mới, động lực mới cho Hà Nội phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Đỗ Tâm

Hội đủ các nhân tố

Cần thiết phải nói rõ thêm một lần nữa về “cơ hội vàng” mà Luật Thủ đô năm 2024 mang lại. Trên con đường phát triển của Hà Nội bấy lâu, một trong những khó khăn lớn nhất là vướng mắc về cơ chế. Tại các cuộc làm việc với các bộ, ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội không ít lần chia sẻ, Hà Nội không quá mong hỗ trợ về vốn, vì Hà Nội có nguồn thu, có lực, điều Hà Nội mong nhất là có cơ chế.

Trong những cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri đều mong sớm có cơ chế thông thoáng cho Hà Nội phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng phải thừa nhận, “chiếc áo” cơ chế dành cho Hà Nội đã quá chật, cần được nới rộng ra thì Thủ đô mới đủ sức vươn tầm, cáng đáng tốt hơn vai trò trái tim của đất nước 100 triệu dân. Sau khi tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012, nhu cầu về cơ chế và sửa đổi Luật Thủ đô càng được thôi thúc mạnh. Những cơ chế phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho phép sự chủ động giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra không chỉ là sự mong mỏi đơn thuần, mà còn là niềm khát khao, khát vọng vươn lên.

Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua đã thỏa mãn niềm mong chờ, khát khao ấy. Luật được đánh giá là rất toàn diện. Các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội đều vui mừng vì Luật Thủ đô năm 2024 đã luật pháp hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã, từ đó giúp cấp ủy và chính quyền các cấp của thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế. Nhiều người tin rằng, hiệu ứng từ cơ chế phân cấp trước hết sẽ giúp Thủ đô thực hiện các quy hoạch phát triển, giảm bớt tắc nghẽn về giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận: “Luật Thủ đô năm 2024 là không gian pháp lý hội đủ các nhân tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tạo sức bật mới đưa Thủ đô vươn tầm cao mới”.

Nghĩa vụ tuân thủ là trách nhiệm với Thủ đô

Nắm trong tay “cơ hội vàng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đứng trước trách nhiệm lớn lao đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống.

Luật Thủ đô vốn đã đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 nay lại càng đặc biệt bởi những cơ chế đặc thù mới hơn, áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các địa phương khác. Trong đó, có cả những cách thức xử lý vi phạm chưa từng được đưa vào luật như cắt điện, cắt nước đối với công trình vi phạm... Những điều này muốn đi vào cuộc sống và phát huy cao nhất hiệu quả rất cần sự đồng thuận của nhân dân. “Luật thì nằm trên giấy, còn việc thực thi pháp luật lại nằm trong lòng dân” - nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh như vậy khi bàn về điều cần lưu ý khi đi vào thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.

Do đó, việc cấp thiết ngay sau khi Luật Thủ đô năm 2024 được Chủ tịch nước ký ban hành là phải tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn thành phố để thống nhất nhận thức và quyết tâm triển khai thực hiện. Thành phố sẽ sớm mở những đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, các cuộc thi tìm hiểu, các hội thảo, tọa đàm, đưa vào sinh hoạt chi bộ, các hội, tổ chức đoàn thể... về nội dung Luật Thủ đô năm 2024. Cũng có ý kiến đề nghị nên sớm có kế hoạch đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào tuyên truyền trong hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Tất cả những việc này nhằm mục tiêu người nào đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội đều hiểu biết, tôn trọng và tự giác tuân thủ Luật Thủ đô năm 2024.

Trên thế giới, Nhật Bản là nước nổi tiếng về ý thức của người dân trong chấp hành luật lệ giao thông, đô thị. Đi lại trong những thành phố như Tokyo có khi cả tuần không nghe thấy tiếng còi xe. Người lái xe nhường nhịn nhau, từ xa thấy vạch kẻ dành cho người đi bộ đã tự giác đi chậm và dừng lại nhường đường. Có lần, phóng viên Báo Hànộimới đã bày tỏ sự cảm phục của mình về ý thức của người dân nước bạn với một người Việt đã sống ở Tokyo 30 năm thì nhận được câu trả lời rằng: “Không hẳn vậy đâu, có cơ hội là họ cũng vi phạm. Sở dĩ người Nhật có ý thức vì luật của họ rất nghiêm, chính quyền giám sát rất kỹ, nên vi phạm là bị phạt rất nặng nên họ sợ mà không dám, lâu dần thành quen, thành tự giác”.

Kể câu chuyện trên để thấy rằng, Luật Thủ đô năm 2024 với cơ chế đặc thù cho phép Hà Nội tăng mức xử phạt để tăng sức răn đe đối với những hành vi vi phạm trật tự đô thị, môi trường là cơ hội cho thành phố nâng cao ý thức người dân. Để thực hiện tốt điều này, các cấp, ngành cần thiết kế các mô hình nhằm tăng cường giám sát bảo đảm duy trì thực hiện các quy định của luật một cách đầy đủ, nghiêm khắc, đồng bộ, toàn diện, công bằng, công khai, minh bạch. Thực tế, việc thực hiện các quy định luật pháp thường xảy ra tình trạng khó duy trì, kém hiệu lực, thậm chí là “xôi đỗ”, “đầu voi, đuôi chuột”... Với Luật Thủ đô năm 2024 cũng không phải ngoại lệ, nên cần hết sức tránh mắc phải những tình trạng này.

“Cơ hội vàng” này sẽ kết thành trái ngọt hình thành nếp sống văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh khi các cấp, ngành đều thấy đây là thời cơ nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, từ đó quyết tâm thực hiện. Cán bộ, đảng viên nêu gương, người dân đồng tình ủng hộ và coi thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 không chỉ là nhiệm vụ chung của thành phố, mà là nghĩa vụ của từng người để cùng thay đổi tốt lên và đóng góp xây dựng Thủ đô.

Tin tưởng về sự thành công

Ngày 25-6-2024, kết luận Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu, các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 ngay sau khi Quốc hội thông qua. Trên tinh thần chủ động, UBND thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai 80 nội dung thuộc thẩm quyền.

Rõ ràng, với sự lãnh đạo của Thành ủy, việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 giờ là trách nhiệm chính trị của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở. Đây là việc không dễ nhưng Hà Nội có nhiều kinh nghiệm thành công trong thực hiện việc mới, việc khó. Điển hình là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nhất là với công tác giải phóng mặt bằng, Hà Nội đều thành công nhờ huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Khi đó, cấp ủy tổ chức Đảng là hạt nhân, bí thư cấp ủy là “nhạc trưởng” chủ động, gương mẫu, đi đầu, ý chí quyết tâm cao, kiên quyết, kiên trì trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Cách thức triển khai là bài bản, khoa học, từ ban hành văn bản chỉ đạo bằng chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đến phân công nhiệm vụ, tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện đều diễn ra nghiêm túc, hiệu quả. Không chỉ có cấp dưới chủ động, cấp ủy cấp trên cũng hỗ trợ kịp thời khi có khó khăn. Ở cùng cấp, cấp ủy là chỗ dựa nhưng không làm thay chính quyền; chính quyền chủ động thực hiện nhiệm vụ nhưng không tách rời sự lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên phụ trách địa bàn cũng không đứng ngoài cuộc; vừa giúp đỡ, hướng dẫn, vừa kiểm tra, giám sát, coi kết quả thực hiện nơi mình phụ trách là một tiêu chí đánh giá thi đua... Đây đều là những bài học, những kinh nghiệm quý để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô triển khai thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 trong thời gian tới.

Cả hệ thống chính trị thành phố và nhân dân Thủ đô cùng vào cuộc hành động trên dưới một lòng hướng về một đích. Đó là kinh nghiệm cần thiết và cũng là cơ sở để tin rằng Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống thuận lợi, thực sự đem lại sức sống mới, động lực mới cho Hà Nội phát triển hướng tới mục tiêu “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024: Bài cuối: Quyết tâm cao nhất đưa luật vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.