Chính trị

Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024 Bài 2: Kỳ vọng với những quy định tiên phong

Nhóm phóng viên 02/07/2024 - 06:46

Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Thủ đô.

Đây là kỳ vọng lớn lao giúp Thủ đô Hà Nội tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh.

thu-do.jpg
Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo đột phá để thành phố Hà Nội tăng tốc phát triển. Ảnh: Nguyễn Quang

Cởi “chiếc áo quá chật” cho Hà Nội

Nói về sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô lần này, Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho hay, quá trình hơn 10 năm thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... Tuy nhiên, sau 10 năm, đất nước đã có những định hướng phát triển mới.

Thực tế có rất nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải cởi “chiếc áo quá chật” cho Hà Nội tăng tốc phát triển. Đi cùng với đó là yêu cầu trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô và nêu rõ vai trò giám sát việc thi hành Luật Thủ đô của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.

Cụ thể, về liên kết, phát triển vùng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và từ thực tiễn triển khai các quy định về phát triển vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012, Luật Thủ đô năm 2024 được chỉnh lý theo hướng thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước; xác định chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô.

Cùng với đó, quy định đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô. Hay việc ưu tiên phát triển giao thông công cộng được coi là cơ chế hiệu quả để khai thác nguồn lực từ đất đai, phát triển kinh tế, hạ tầng mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng. Song song là phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian giao thông và quy định về trọng dụng nhân tài trong chiến lược phát triển Thủ đô…

Trong các nhóm chính sách quan trọng của Luật Thủ đô năm 2024, phải kể đến là chủ trương phân quyền mạnh mẽ về quyết định đầu tư cho thành phố; các quy định thu hút nhà đầu tư chiến lược và các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư... Luật sửa đổi lần này đã hoàn thiện với mức độ cao, bao quát hầu hết các lĩnh vực, gồm cả tổ chức chính quyền địa phương, việc phân quyền, việc liên kết phát triển mang tính liên vùng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo ra một kỷ nguyên mới cho Thủ đô của một nước có trên 100 triệu dân.

Một trong tư tưởng chính của Luật Thủ đô năm 2024 là đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội và chính sách nhân tài. Từ đó, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động, sáng tạo, tự quản thực hiện nhóm chính sách đột phá, vượt trội để phát triển.

Ví dụ như quy định HĐND thành phố được chủ động hơn trong việc thành lập các ban của HĐND thành phố; giao HĐND thành phố một số thẩm quyền, như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố. Đây là tiền đề giúp chính quyền thành phố Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị.

Liên quan đến vấn đề người dân đặc biệt quan tâm hiện nay là làm thế nào để có “cây gậy” pháp lý đủ mạnh xử lý các cơ sở, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường…, Luật Thủ đô năm 2024 đã giao cho HĐND thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.

Đáng chú ý, để bảo đảm an toàn cho người dân, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình xây dựng lấn chiếm đất công; sai quy hoạch; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đi vào hoạt động và cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, dịch vụ karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Bệ phóng để Thủ đô tăng tốc phát triển

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng bộ môn Luật Hành chính (Trường Đại học Luật Hà Nội), trong đặc thù rất riêng của Hà Nội, Thủ đô của nhiều nước chỉ là trung tâm chính trị, hoặc có thể là trung tâm văn hóa, nhưng Thủ đô Hà Nội của chúng ta vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa. Luật Thủ đô năm 2024 có rất nhiều điểm mới, tiến bộ, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển, vừa là Thủ đô vừa là đầu tàu của cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích kỳ vọng: “Có thể nhiều quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 đã được Quốc hội thông qua, hiện mới chỉ dành riêng cho Thủ đô Hà Nội. Nhưng biết đâu khi Hà Nội thực hiện mà có những tác động, hiệu quả cao thì có thể sẽ dần trở thành những quy định chung của cả nước...”.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, Luật Thủ đô năm 2012 chủ yếu mang tính chất “khung”, trong thực tiễn triển khai, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách có nhiều nội dung vướng phải các quy định pháp luật, luật chuyên ngành khác có liên quan dẫn đến không khả thi, mất tính đặc thù vượt trội cần thiết và không thể triển khai. Đơn cử, Luật Cư trú đã “xóa sổ” Khoản 3 và 4, Điều 19 Luật Thủ đô năm 2012. Chính từ quy định bị vô hiệu này mà mỗi năm Thủ đô tăng thêm dân số cơ học khoảng 200 nghìn người, tạo sức ép vô cùng to lớn lên kết cấu hạ tầng của thành phố. Từ đây, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Để tránh xung đột pháp luật, Luật Thủ đô năm 2024 cũng nêu rõ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày luật có hiệu lực thi hành, có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô năm 2024 về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó. Trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô năm 2024 được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, những ưu tiên áp dụng trong hệ thống luật pháp sẽ quyết định đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô năm 2024 sau khi được ban hành. Các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được đưa ra trong luật cũng như trong định hướng quy hoạch rất cởi mở và đột phá. Vấn đề quan trọng là phải có những con người thật sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực thi những quyền năng, nhiệm vụ mà Luật Thủ đô năm 2024 trao cho.

Trong lĩnh vực giáo dục, Luật Thủ đô năm 2024 quy định, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội được thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Quy định này có đích nhắm đến hai mục tiêu: Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, từ bậc học mầm non, phổ thông đến giáo dục đại học; đưa chất lượng giáo dục tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Luật cũng cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp và cán bộ, giảng viên có thể làm chủ các doanh nghiệp ấy. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu khoa học trong các viện, trường đi vào cuộc sống nhanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển của Thủ đô cũng như cả nước.

Luật Thủ đô năm 2024 quy định cơ chế phát triển y học gia đình để có cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn diện và liên tục ngay từ tuyến cơ sở nhằm phát hiện sớm, xử lý sớm các vấn đề bệnh tật. Công tác khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô với kinh phí được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp. Người từ 70 tuổi trở lên; người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Đồng thời, UBND thành phố có lộ trình phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện, có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Tựu trung, những cơ chế, chính sách đột phá nêu trên sẽ tạo bệ phóng để Hà Nội tăng tốc phát triển.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024 Bài 2: Kỳ vọng với những quy định tiên phong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.