Chính trị

Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024:Bài 3: Hoàn thiện từ sớm, từ xa hướng dẫn thi hành luật

Nhóm phóng viên 03/07/2024 - 06:53

Gần 6 tháng nữa, Luật Thủ đô năm 2024 mới có hiệu lực thi hành nhưng đã nhận được nhiều kỳ vọng, mong muốn luật sớm đi vào đời sống, góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả vùng Thủ đô và cả nước.

Đáp ứng mong mỏi đó, Hà Nội đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô năm 2024 với đích hướng đến là hoàn thiện cơ chế, chính sách để Thủ đô vươn lên trong thế rồng bay.

cong-vien-van-hoa-da-chuc-n.jpg
Công viên văn hóa đa chức năng sẽ được quy hoạch tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Ảnh: An Bình

Nhiều cơ chế, chính sách đột phá

Để tạo động lực cho Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm, một số chuyên gia, nhà quản lý cùng quan điểm cho rằng, trong nhóm chính sách mới của Luật Thủ đô năm 2024, việc cho phép thành phố Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực được đặc biệt quan tâm.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Chu Thị Hoa cho rằng, cần có tư duy lập pháp mở và linh động để lập pháp đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối với những vấn đề “quản không được” hoặc chưa hiểu rõ thì cần cân nhắc áp dụng khung pháp lý thử nghiệm trong phạm vi hạn chế (sandbox).

Bà Chu Thị Hoa kiến nghị xây dựng và áp dụng sandbox cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới; cho phép thử nghiệm hoạt động kinh doanh mới, có tính chất đổi mới sáng tạo trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh trước khi trở thành chính sách chung. Trong đó, cần lưu ý nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống; quy định quản lý phải theo hướng hạ thấp các rào cản về gia nhập thị trường, rào cản đối với các start-up... để doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý. Việc ưu tiên các giải pháp công nghệ mới có thể tiến hành thử nghiệm trong khu công nghệ cao của thành phố; thời gian thử nghiệm giải pháp công nghệ mới tối đa là 3 năm. UBND thành phố Hà Nội ban hành quy chế quản lý cơ chế thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới.

Về vấn đề giáo dục và đào tạo, thu hút nhân tài, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong (Học viện Hành chính quốc gia) đánh giá cao các quy định liên quan đã thể hiện tinh thần “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được đưa vào luật. Tuy nhiên, để phát huy hết giá trị của những “nguyên khí” và là động lực thúc đẩy phát triển Thủ đô như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cần thiết kế những văn bản với chính sách đột phá hơn, chi tiết hơn nhằm sử dụng, giữ chân nhân tài sau khi đã được thu hút, tương xứng với vai trò và sự phát triển của Thủ đô. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thực hiện 9 nhóm chính sách trong Luật Thủ đô năm 2024, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội là Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích: "Ngay như những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa khi được tuyển dụng không qua thi, đấy mới là nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa thể coi là nhân tài. Còn phải xem quá trình làm việc của họ có tạo ra được sản phẩm, công trình, các sáng tạo được áp dụng có ích cho xã hội và cuộc sống đến mức nào".

Bà Đinh Thị Mai Phương (quận Đống Đa) cho rằng, HĐND thành phố Hà Nội cần sớm thiết kế cụ thể hóa các chính sách thực sự vượt trội, đặc thù để làm sao thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng trọng dụng được họ, giữ chân được họ lâu dài với tình cảm, sự gắn bó và dành trọn tâm huyết cho sự phát triển của Thủ đô. Sau quá trình trọng dụng, thu hút, định kỳ cũng cần phải có sát hạch, đánh giá hiệu quả của nguồn nhân lực này. Có như vậy thì chính sách mới thật sự phát huy hiệu quả.

Về phát triển giao thông công cộng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ: Cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô năm 2024 sẽ khơi dậy và khai thác được các nguồn lực, đồng thời tạo động lực cho Hà Nội phát triển. Thủ đô sẽ có không gian mới để mở rộng ra phía Bắc sông Hồng. Đây là cơ hội để phát triển thành phố hai bên sông, giãn số dân trong nội đô, đẩy mạnh không gian phát triển về phía Bắc. Hà Nội cũng sẽ có điều kiện phát triển trung tâm mới là những thành phố khoa học công nghệ ở phía Tây, di chuyển các trường đại học, khu nghiên cứu lên khu vực Hòa Lạc, đưa khu vực này trở thành cực phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhà khoa học, các ngành công nghệ mới cho Thủ đô. Những điểm mới này trong Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo đà cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường rất kỳ vọng, Luật Thủ đô năm 2024 cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được thông qua trong thời gian tới, sẽ thúc đẩy Thủ đô phát triển mạnh mẽ, xứng tầm.

Liên quan đến quy định quản lý, sử dụng không gian ngầm, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam đánh giá, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên có điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai các quy định mới và đây chính là một nguồn tài nguyên lớn cho phát triển.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch cũng có những quy định về phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi, khu phát triển thương mại văn hóa nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, về “Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội", “ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống”.

Định hình vóc dáng Thủ đô trong tương lai

Theo thống kê, nội dung quy định chi tiết Luật Thủ đô năm 2024 thuộc thẩm quyền của Chính phủ là 5 nội dung. Hàng chục nội dung còn lại thuộc trách nhiệm của HĐND thành phố và UBND thành phố Hà Nội. Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, với dự kiến hơn 80 nội dung giao thành phố Hà Nội triển khai, thành phố đã chủ động chuẩn bị từ nhiều tháng trước.

UBND thành phố yêu cầu, các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương chủ trì xây dựng văn bản về kế hoạch thực hiện nội dung liên quan, trình cấp có thẩm quyền ban hành. Do công tác xây dựng văn bản không chỉ thuộc trách nhiệm của chính quyền Hà Nội mà còn thuộc nhiều bộ, ngành khác nên cần thiết phải có một kế hoạch, lộ trình thực hiện để các chính sách, quy định pháp luật được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Luật Thủ đô năm 2024 là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, UBND thành phố yêu cầu với vai trò “gác cổng” pháp luật, Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về Thủ đô cho cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư.

Các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước ở cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã nắm chắc kiến thức, gương mẫu, đi đầu trên mọi mặt, mọi lĩnh vực chuyên đề, nội dung chuyên sâu liên quan được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 thuộc phạm vi quản lý; tham mưu UBND thành phố trong việc đôn đốc, thanh kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 và xử lý vi phạm trong tổ chức thi hành Luật Thủ đô năm 2024 trên địa bàn thành phố (nếu có). Đích đến là khi luật đi vào đời sống sẽ phát huy hiệu quả cao nhất.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm lập pháp nhìn từ Luật Thủ đô năm 2024: Bài 3: Hoàn thiện từ sớm, từ xa hướng dẫn thi hành luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.