Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh doanh mỹ phẩm giả, nhập lậu: Thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp

Thanh Hiền| 29/12/2015 07:14

(HNM) - Thời gian qua, hàng loạt vụ kinh doanh mỹ phẩm giả, độc hại bị cơ quan chức năng Hà Nội phát hiện, thu giữ với số lượng lớn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với không ít người tiêu dùng (NTD) có thói quen sử dụng những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.


Liên tục bắt giữ với số lượng lớn

Từ đầu tháng 12 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, với số lượng hàng chục tấn. Cụ thể, ngày 17-12-2015, Đội QLTT số 17 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 2 thuộc Phòng 7 C49 (Bộ Công an) đã khám và bắt giữ hơn 20 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được vận chuyển trên xe ô tô mang biển kiểm soát 37C-15680 từ Hà Tĩnh ra Hà Nội.

Trước đó, Tổ công tác đặc biệt ĐB-113 Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra hành chính, đối chiếu hóa đơn, chứng từ số hàng hóa của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thành Hoa, tại kho hàng ở Gia Lâm (Hà Nội), phát hiện toàn bộ hàng hóa gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nước giải khát, bánh kẹo… có xuất xứ từ nước ngoài, chất đầy trong hai nhà xưởng đều không có nhãn phụ, không có số lưu hành trên sản phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của TP Hà Nội kiểm tra mỹ phẩm tại 30 Bạch Mai. Ảnh: Thu Hà


Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, riêng trong đợt cao điểm về kiểm tra mỹ phẩm mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại Hà Nội đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm, thu giữ và xử phạt số hàng hóa trị giá hơn 5 tỷ đồng. Điển hình là vụ thu giữ hơn 100.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại 5 cửa hàng của Hệ thống mỹ phẩm Xuân Thủy; thu giữ gần 40.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và gần 6.000 phụ kiện trang trí móng các loại tại một số cơ sở do người nước ngoài quản lý.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Thực tế cho thấy, dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng khó có thể kiểm soát mỹ phẩm giả trên thị trường do nhu cầu sử dụng tăng cao, lợi nhuận bất chính thu về từ việc kinh doanh mặt hàng này rất lớn.

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, hiện hàng hóa thường do một số đầu nậu đặt mua từ Trung Quốc đưa về Việt Nam với nhiều nhãn hiệu, rồi biến tướng bằng hình thức nhập nguyên liệu và bao bì rời, đóng gói tại Việt Nam. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ biên giới về, các đối tượng thường xé lẻ sản phẩm riêng, nhãn mác riêng, nên ngành chức năng rất khó xử lý. Khi vào nội địa, các đối tượng tập kết hàng tại kho hẻo lánh, ít người qua lại nhằm che mắt lực lượng chức năng. Khi tìm được khách hàng tiêu thụ, chúng mới dán nhãn mác, hoàn thiện sản phẩm. Trong các vụ việc mà lực lượng chức năng đã bắt giữ, có đối tượng còn đặt cả tem chống giả giống hệt sản phẩm chính hãng để dán lên sản phẩm, lừa NTD, thu lợi bất chính.

Nguy hiểm hơn, công nghệ sản xuất mỹ phẩm giả ngày càng tinh vi, các loại mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu phần lớn lại được nhập lậu từ nước ngoài, nên bao bì được in rất sắc nét, khiến NTD khó có thể phân biệt được sản phẩm thật - giả. Tại các cửa hàng, việc bày bán sản phẩm mỹ phẩm giả được che đậy một cách tinh vi, dưới hình thức để lẫn với sản phẩm có hóa đơn, chứng từ, nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Một nguyên nhân khác khiến cho mỹ phẩm giả còn tràn lan là lợi dụng việc cho phép cá nhân tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất (cơ quan quản lý không khảo sát, không thẩm định trước về cơ sở, trang thiết bị, năng lực của cơ sở sản xuất đó), dẫn đến việc các cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhỏ lẻ ra đời ồ ạt.

Ngoài ra, các đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả lợi dụng mạng xã hội để rao bán trên các shop bán hàng trực tuyến, khách đặt mua được giao hàng tận nơi, nên lực lượng chức năng càng khó kiểm soát. Do lợi nhuận thu về từ kinh doanh mỹ phẩm giả quá lớn, nên tỷ lệ các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tái phạm có xu hướng tăng. Có trường hợp sau khi bị ngành chức năng thu hồi giấy phép hoạt động vì sản xuất mỹ phẩm giả, chỉ hơn một tháng sau cơ sở đó lại tiếp tục hoạt động với tên gọi khác. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý hành vi, tội danh sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng còn chồng chéo, sơ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để hoạt động, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Việc kinh doanh, buôn lậu mỹ phẩm giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây ra nhiều hiểm họa đối với người sử dụng. Đã có không ít trường hợp bị dị ứng với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, khiến NTD bị biến chứng phải nhập viện. Trước thực trạng trên, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác điều tra, nắm địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh mỹ phẩm; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, các cơ sở tàng trữ, kinh doanh mỹ phẩm giả. Chi cục sẽ phối hợp với Cục Thuế TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra các đơn vị kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ; phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội trong việc cung cấp thông tin về các doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm số lượng lớn để tiện kiểm tra, giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh mỹ phẩm giả, nhập lậu: Thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.