(HNMO) - Sáng 5-5, buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết lịch sử Kim Thiếp Vũ Môn của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh với chủ đề “Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” đã diễn ra tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Buổi tọa đàm do NXB Văn học và Khoa Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức, với sự tham dự của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh và nhiều học giả trong lĩnh vực lịch sử và văn học.
Tại buổi tọa đàm, tác phẩm Kim Thiếp Vũ Môn của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá, phản hồi từ những nhà nghiên cứu tâm huyết với lịch sử Việt Nam. Đây là tác phẩm viết theo kiểu chương hồi, với độ dày hơn 400 trang, lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.
Ngoài tính chính nghĩa, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc vốn thường được đề cập trong tất cả các tác phẩm lịch sử Việt Nam, Kim Thiếp Vũ Môn còn đi sâu phân tích các yếu tố về khoa học kỹ thuật, vũ khí, nguồn lực con người. Đây được cho là một ý tưởng giải thích lịch sử khá táo bạo và thú vị, đồng thời gợi ra loạt suy nghĩ về cách viết tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, dũng cảm tiếp cận những vấn đề mà các nhà văn, nhà nghiên cứu thường lảng tránh.
Đại diện NXB Văn học cho biết, tác phẩm Kim Thiếp Vũ Môn được xuất bản lần đầu cách đây 2 năm với tựa đề Huyền thoại Kim Thiếp Vũ Môn và thu hút được sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Đây là một cuốn sách đáng đọc, đáng suy ngẫm của một người cầm bút “ngoại đạo” trong giới văn chương, nhưng lại ẩn chứa lượng kiến thức lớn về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác.
Theo đánh giá của GS.TS. Trần Ngọc Vương, Kim Thiết Vũ Môn không phải là một cuốn tiểu thuyết văn học mà là một giả thuyết khoa học được trình bày dưới dạng tiểu thuyết lịch sử. Thông qua ngôn ngữ văn chương, người đọc có thể tiếp cận những thông tin liên quan tới thành tựu và trí tuệ người Việt, đặt trong sự phức tạp và phong phú của quan hệ với các nước trong khu vực.
Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh (giữa) tại buổi tọa đàm. |
Điểm được các nhà nghiên cứu văn học, lịch sử đánh giá cao ở Kim Thiếp Vũ Môn là tác phẩm này đã kích thích và nuôi dưỡng ý chí, khát vọng, niềm tự hào dân tộc của độc giả. Tác giả đã tham khảo và nghiên cứu rất nhiều nguồn tư liệu, nhưng không sử dụng cẩu thả mà có sự cân nhắc, chắt lọc, kiểm chứng thông tin, ngay cả với những chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm.
Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh chia sẻ: “Tôi chỉ là một người học trò, một kẻ ngoại đạo, một nhà nghiệp dư trong lĩnh vực văn chương. Tác phẩm này ra đời với mục đích đơn giản là để lưu trữ lại những ghi chép, đúc kết của tôi - những điều không thể ngay lập tức nói hết bằng lời”.
Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh tên thật là Trần Xuân Hoài, sinh ra trong một gia đình nho gia truyền thống ở Hà Tĩnh. Khi mới 10 tuổi, ông được gửi vào trường thiếu sinh tại Trung Quốc, sau đó có cơ hội học tập và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu trên thế giới. Ông là Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Ông có hơn 50 công trình gồm sách, báo chuyên môn, bằng sáng chế... và được ký tên là Trần Xuân Hoài. Độc giả bắt đầu biết đến ông với bút danh Trần Gia Ninh qua các tác phẩm gần đây như Kim Thiếp Vũ Môn, Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, Lạm bàn về dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam, Cần một giải pháp xây dựng đội ngũ khoa học mới... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.