Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết tái cơ cấu DN, giảm bớt số DN nhà nước giữ cổ phần chi phối

Lan Hương| 18/02/2014 16:30

(HNMO) – Ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải đã điều hành Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2014 – 2015 với sự tham dự của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.


Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, về tái cơ cấu và cổ phần hóa, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành phê duyệt các đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty NN.

Trên thực tế, từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa (CPH) 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN; tổng số DN CPH từ trước đến nay là 4.065 DN.

Các DN được cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp; việc cổ phần hóa được số DN này với số cổ phần chào bán gần 19.000 tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng rất lớn, đáng ghi nhận. Hầu hết các DN sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty CPH tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán…

Vốn Nhà nước đầu tư vào DN tiếp tục được bảo toàn, phát triển từ 700.000 tỷ đồng năm 2010 lên 810.000 tỷ đồng năm 2011 và 1.019 nghìn tỷ đồng năm 2012 (bình quân tăng 15%). Điển hình về hiệu quả sản xuất kinh doanh cả 3 năm thuộc về Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Viễn thông Quân đội, Cao su Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu DN trong thời gian qua cũng có nhiều vướng mắc, chậm trễ. Đó là một số văn bản như cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể, bán, giao DN… còn chậm tiến độ. Việc phê duyệt đề án tái cơ cấu cũng bị chậm, chủ yếu được thực hiện trong năm 2013. DNNN vẫn dàn trải trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Kết quả CPH, sắp xếp DN đạt thấp so với yêu cầu phê duyệt; một số địa phương, bộ, tập đoàn chưa CPH được DN nào. Việc rút vốn, thoái vốn rất khó khăn, trong tổng số 4.164 tỷ đồng đã thoái, chỉ có 267 tỷ đồng bán ra bên ngoài, còn lại 3.894 trong nội bộ.


Cần dồn sức cho cổ phần hóa

Ông Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá: Do do 3 năm qua CPH chậm nên trong 2 năm 2014-2015 sẽ phải CPH 432 DN, như vậy mỗi năm phải CPH 216 DN. Đây là nhiệm vụ phức tạp, quan trọng nhất trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm, có giải pháp mới, đột phá, dồn sức thực hiện mới có được kết quả rõ rệt.

Theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế phù hợp, khả thi để giải thể, phá sản 22 DN; Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đạt tổng số gần 22.000 tỷ đồng. Sớm ban hành nghị quyết của chính phủ để làm cơ sở thực hiện. Xây dựng lộ trình chặt chẽ khả thi để thoái những khoản đầu tư không hiệu quả và có thể phải bán dưới mệnh giá. Các DN phải áp dụng các chuẩn mực quản trị kinh doanh có hiệu quả cao, hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ.

Để thực hiện các vấn đề trên, trong quý I/2014, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Cty Đầu tư Kinh doanh vốn NN và Đề án thí điểm góp vốn cổ phần để thành lập mới đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty NN. Cũng trong quý I, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của DN, trình quy chế đánh giá việc thực hiện quyền và nghĩa vụ cấu chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, và quy chế quản trị, công bố thông tin của Công ty TNHH một thành viên do NN làm chủ sở hữu.

Là ngành thực hiện CPH được nhiều nhất, tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết: trong điều kiện thị trường khó khăn, để CPH thành công, phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho họ trước khi thực hiện IPO. Kinh nghiệm từ Bộ GTVT cho thấy, trong 11 Tổng công ty mà Bộ cổ phần hóa, trong đó có Vietnam Airlines, chỉ có 2 Tổng công ty chưa chọn được nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty ô tô và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6, còn lại tất cả các Tổng công ty đều có nhà đầu tư chiến lược, thậm chí là có những DN có nhiều nhà đầu tư chiến lược phải lựa chọn.

Ông Thăng cũng cho biết: “Lãnh đạo Bộ GTVT xác định, cổ phần hóa là con đường tất yếu và duy nhất để đổi mới quản trị DN và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Khi thực hiện CPH xong, quản lý Nhà nước cũng đỡ đau đầu hơn. Còn nhiều DNNN, còn nhiều đau đầu vì không biết ở dưới các DN làm ăn thế nào, xảy ra chỗ nào là nguy hiểm chỗ đó... Thực tế, tại Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8, chúng tôi đã cách chức cả Chủ tịch, Tổng giám đốc. Cách chức không phải do năng lực kém mà do không hoàn thành mục tiêu CPH, chuyển sang làm việc khác”.

Tập trung CPH, thoái vốn và nâng cao công tác quản trị DN

Tại hội nghị, sau khi nghe một số ý kiến phát biểu từ các tập đoàn, tổng cổng ty, các bộ, ngành… phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tái cơ cấu DN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong hai năm tới. Thời gian qua, tuy bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế nhưng nước ta đã kiểm soát được lãi xuất, ổn định tỷ giá để đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì được mức tăng trưởng bình quân 3 qua năm qua là 5,6%, đầu tư hiệu quả hơn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, hiện có những hạn chế phải nghiêm túc sửa đổi như số lỗ của các DNNN đã giảm nhưng vẫn còn chiếm 16%. Hạn chế thứ hai là tái cơ cấu DNNN chậm. Ba năm qua mới sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN, trong đó Bộ GTVT đã chuyển đổi được 44 DN. Thủ tướng cũng thừa nhận một số yếu tố khó khăn khách quan như thể chế ban hành chậm, tìm cổ đông khó… nhưng cái quan trọng là sự thiếu quyết tâm của các đơn vị. Việc thoái vốn ngoài ngành cũng còn chậm.

Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới phải tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao hiệu quả, cạnh tranh tốt hơn, thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ. Trung ương cũng đã xác định cần thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu nông nghiệp.

Để tái cơ cấu DNNN phải thực hiện nhiều việc trong đó trọng tâm là CPH. Để CPH nhanh trong 2 năm tới, phải quyết liệt thực hiện với 432 DNNN đã phê duyệt. Sau đó, rà soát tiếp các DN cần thực hiện. Ban hành các tiêu chí phân loại DN để giảm mạnh hơn nữa DNNN giữ vốn 100% và tỷ lệ NN nắm giữ (như TP Hồ Chí Minh kiến nghị và đã nhận khuyết điểm chưa thực hiện được trong các năm trước). Bên cạnh đó, xác định tỷ lệ CPH, ví như lĩnh vực bia, CPH bao nhiêu phần trăm nhưng vẫn giữ được thương hiệu Việt? CPH trên thị trường chứng khoán thực hiện công khai, minh bạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để quyết tâm làm, thực hiện nghiêm kỷ cương và coi đây là giải pháp số một. Cần tăng thêm số DN CPH, hoàn thiện thể chế về CPH; phối hợp giải quyết các vướng mắc. Các Bộ trưởng dành thời gian giải quyết vướng mắc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao ban hàng tháng. Cụ thể thêm Nghị định 99 về chủ sở hữu, tăng thêm phần giám sát, kiểm tra. Bộ Lao động và Thương binh Xã hội cần rà soát lại vấn đề tiền lương.

Các Bộ trưởng phải làm rõ nhiệm vụ công ích và kinh doanh trong từng DN. Ví như ngành điện lực xác định rõ phần kinh doanh thị trường và phần bán cho người nghèo, ngân sách NN chi… Riêng phần thoái vốn, có hai loại, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thoái vốn ở DNNN. Thủ tướng yêu cầu cần phân loại, cái nào cần bán ngay, cái nào đầu tư ngoài ngành mà không lỗ làm theo lộ trình. Các DN cũng cần nâng cao công tác quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết tái cơ cấu DN, giảm bớt số DN nhà nước giữ cổ phần chi phối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.