(HNM) - Công trình xây dựng sai phép, không phép từ lâu đã trở thành thứ bệnh kinh niên trong lòng các đô thị và TP Hà Nội. Người dân bức xúc, chính quyền thành phố bức xúc, cũng không ít lần Hà Nội ra tay xử lý tình trạng này. Thế nhưng dường như việc tìm phương thuốc đặc trị cho căn bệnh vô tổ chức kỷ cương trong quản lý đô thị vẫn là một thách thức dư luận và chính quyền.
Gần đây, khi UBND quận Hoàng Mai phát hiện và ra quyết định đình chỉ thi công công trình xây dựng không phép tại ngõ 83, đường Ngọc Hồi thì phần xây thô của tòa nhà này đã lên tới tầng thứ 8. Điều đáng nói là trước đó, UBND phường Hoàng Liệt đã kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ thi công, thế nhưng chủ đầu tư vẫn "phớt lờ" tất cả. Lý do để công trình này ngang nhiên tồn tại bất chấp pháp luật là: động thổ vì ngày đẹp, hợp tuổi giám đốc. Còn giấy phép xây dựng thì… chủ đầu tư sẽ hoàn thiện thủ tục sau?
Trước đó, báo giới cũng đã đề cập tới những sai phạm tại công trình xây dựng số 28 Đê La Thành. Trong vụ việc có không ít khuất tất này, UBND phường Thổ Quan đã cung cấp cho cơ quan truyền thông giấy phép xây dựng do quận cấp, theo đó công trình được xây dựng 9 tầng, 1 tum. Tuy nhiên khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì công trình này đã xây tới 10 tầng, 1 tum. Điều đáng nói là một đại diện của quận Đống Đa đã khẳng định rằng không cấp phép xây dựng cho công trình này? Còn nhớ, vào tháng 8 năm trước, hai công trình xây dựng tại 17A và 19 phố Phan Đình Phùng (thuộc Quán Thánh, quận Ba Đình) - xây vượt 2 và 3 tầng so với giấy phép. Ngoài việc kiên quyết tháo dỡ phần công trình vi phạm, UBND TP đã chỉ đạo Sở Nội vụ xác định mức độ, đề xuất hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ UBND quận Ba Đình; đồng thời tham mưu cho UBND TP chỉ đạo quận Ba Đình xử lý kỷ luật cán bộ quản lý trật tự xây dựng của phường Quán Thánh. Câu chuyện đó tới giờ vẫn còn nguyên tính thời sự.
Vì sao tình trạng trên còn tồn tại? Có rất nhiều lý do, nhưng có một điều chắc chắn là, công trình xây dựng mới, dù là nhà tư nhân hay chung cư, đều không thể qua mắt cơ quan chức năng và chính quyền sở tại, đặc biệt là cấp xã, phường. Vấn đề là trách nhiệm của họ đến đâu mà thôi. Nếu như các cơ quan công quyền địa phương thực thi nghiêm túc nhiệm vụ, xử lý kiên quyết các vấn đề từ khi mới phát sinh, liệu các chủ đầu tư công trình có dám cả gan bất chấp luật pháp hay không?
Cách đây khoảng 4 năm, trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương quyết tâm xử lý nghiêm minh những công trình vi phạm nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Các công trình như số 4 Đặng Dung, số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, số 9 Đào Duy Anh đã bị "phạt ngọn". Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã có hình thức kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc Thành ủy quản lý. Trước đó, 18 cán bộ thuộc Thanh tra xây dựng thành phố, các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và các phường liên quan đã phải nhận hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền, từ phê bình đến cảnh cáo do để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Những việc làm nghiêm minh, kiên quyết của thành phố thời điểm ấy đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận của dư luận nhân dân. Trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng đã phần nào đi vào khuôn phép… Từ đó tới nay, 4 năm - một quãng thời gian không dài nhưng là lúc các cấp chính quyền ở Hà Nội phải tập trung lo rất nhiều công việc to lớn mang tính lịch sử cũng như phải đối phó với hàng loạt vấn đề cấp bách trước cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu. Có phải vì thế mà căn bệnh kinh niên kia lợi dụng trỗi dậy…
Đã đến lúc cùng với việc quy hoạch lại Thủ đô, các cơ quan chức năng cần kiên quyết loại bỏ căn bệnh "nhờn luật" của một bộ phận công dân và kể cả một số cán bộ, nhân viên trong bộ máy công quyền, nhất là ở cơ sở cấp xã, phường, quận, huyện. Có như vậy mới mong lập lại kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng như thành phố đã từng làm và đã thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.