(HNM) - Xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp kiên quyết nhằm đẩy lùi tham nhũng.
Cử tri luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thái Hiền |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã nhận định, việc Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giai đoạn 2016-2020” và thành lập Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện bài bản là cách làm mới, riêng của Hà Nội. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Thành ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trước hết là tăng cường công khai, minh bạch. Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đến nay, toàn thành phố đã có 538 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp (đạt 29%). Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung hoàn thiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã ban hành mới 140 văn bản, sửa đổi, bổ sung 84 văn bản; thực hiện 360 cuộc kiểm tra về nội dung này. Cùng với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là xác định vị trí việc làm; thành phố cũng thực hiện thường xuyên việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn, cùng với các biện pháp tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, thành phố đã chọn những lĩnh vực nhạy cảm để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm gần 1.200 tỷ đồng và 32,66ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 132 tập thể, 248 cá nhân. Đặc biệt, qua thực hiện Kế hoạch số 16-KH/TU ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016”, 18 vụ việc đã được kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, đến nay đã chuyển cơ quan điều tra 16 vụ việc.
Hà Nội là địa phương có số vụ án tham nhũng được phát hiện, xét xử lớn so với cả nước. Tổng số vụ án tham nhũng Công an toàn thành phố thụ lý từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay là 60 vụ với 194 bị can. Tòa án hai cấp thành phố thụ lý 45 vụ với 167 bị cáo. Sự kiên quyết đấu tranh với tội phạm tham nhũng còn thể hiện ở việc Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa vào diện tập trung chỉ đạo giải quyết 7 vụ việc, vụ án tham nhũng.
Thống nhất cao về ý chí và hành động
Mặc dù đạt kết quả tích cực, song Thành ủy Hà Nội thẳng thắn nhận định: Tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức. Một số giải pháp phòng ngừa hiệu quả còn thấp... Sau sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 07-CTr/TU đề nghị, các cấp, ngành không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được; thay vào đó, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ một số nhiệm vụ cấp thiết. Trước hết là cần rà soát, chỉ ra các lĩnh vực, các khâu công việc, các địa bàn “nóng” xảy ra tham nhũng để xây dựng các chuyên đề, kế hoạch ngăn chặn. Ban Nội chính Thành ủy, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần bóc tách cụ thể, rõ địa chỉ những cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đến những hạn chế, khuyết điểm; làm rõ số liệu về tự phát hiện, tự xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đánh giá rõ việc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương xây dựng báo cáo đánh giá tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng và kế hoạch khắc phục ra sao...
Mấu chốt để đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả là mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.