(HNM) - Từ ngày 4-7 đến nay, nhóm tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8) của Trung Quốc đã tiến hành kéo cáp, khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, khu vực nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đang khảo sát là một phần không thể tách rời của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam. Từ trước tới nay, các luật sư công pháp quốc tế đã khẳng định, khu vực này hoàn toàn không nằm trong vùng chồng lấn chủ quyền và chưa bao giờ là khu vực tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Không chỉ đi ngược lại Công ước UNCLOS 1982 đã ký kết, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào hoạt động trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam còn vi phạm cam kết của nước này với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Theo văn kiện được ký ngày 4-11-2002, Trung Quốc đã cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại Biển Đông, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Với phương châm kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp, ngay từ khi xảy ra vụ việc cho đến nay, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng biển của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các cơ quan chức năng của nước ta đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.
Để bảo đảm quyền tự do hoạt động mưu sinh trên biển của ngư dân Việt Nam, ngày 29-7, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có Công văn số 77/HNC-VP gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng về việc lên án, phản đối hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng và cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc…
Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc, lãnh đạo các cấp của Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, đồng thời đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; không để ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai nước.
Ngày 12-7, tại cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn cùng Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng, xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông để tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định, bền vững của quan hệ hai nước. Ngày 21-7, tham dự Hội thảo Lý luận lần thứ XV giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Trung Quốc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã hội đàm với ông Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đây, đồng chí Võ Văn Thưởng đã đề nghị hai bên cần thực hiện tốt những nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, đồng thời đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển của quan hệ song phương.
Cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng chỉ trích và ngày càng lên án mạnh mẽ các hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 11-7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố “kiên quyết phản đối” các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền “bất hợp pháp” ở Biển Đông, kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, dựa trên luật pháp, thay vì dùng vũ lực.
Trên Twitter ngày 19-7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton phê phán hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước ASEAN là phản tác dụng và đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực. Ngày 20-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng các hành động của Trung Quốc trong những ngày gần đây là sự cản trở các hoạt động khai thác, sản xuất dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam và là hành động phá hoại hòa bình, an ninh khu vực. Bà M.Ortagus nhấn mạnh, Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và dọa dẫm bởi bất cứ bên nào nhằm khẳng định tuyên bố về chủ quyền và hàng hải, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi áp chế và kiềm chế các hoạt động khiêu khích và gây bất ổn.
Ngày 26-7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel đã ra tuyên bố nêu rõ hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai xem thường luật pháp quốc tế. Chia sẻ quan điểm này, ngày 30-7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành động mà ông cho là “hăm dọa” tại Biển Đông và cho rằng những tuyên bố bảo đảm hòa bình của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với hoạt động của nước này tại vùng biển quan trọng của thế giới.
Báo chí quốc tế thời gian qua đã dành sự quan tâm đặc biệt về tình hình Biển Đông và nhận định Việt Nam đã xử lý vụ việc một cách đúng mực, phản ứng kiên quyết trên thực địa và sắc bén trong phát ngôn, đồng thời ủng hộ các biện pháp đấu tranh ngoại giao của Việt Nam nhằm mục đích vừa bảo vệ chủ quyền, vừa bảo đảm hòa bình và ổn định trong nước và khu vực.
Như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp chính đáng trên biển của Tổ quốc. Các hoạt động bảo vệ chủ quyền đã và đang được tiến hành bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, và nhất quán trong mối quan hệ thống nhất giữa bảo vệ chủ quyền với gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Vì thế, hơn ai hết, mỗi người dân Thủ đô cần vững niềm tin, nhận thức rõ tình hình, bảo đảm tốt trật tự an toàn xã hội, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước, đồng thời góp phần hỗ trợ công tác bảo vệ chủ quyền của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.