Sáng 13-12, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (Đoàn công tác số 3) đã tiến hành kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đồng thời là Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến ngành Ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu để xây dựng nội dung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đã được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 bảo đảm đạt được hiệu quả theo đúng mục tiêu và lộ trình…
* Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Tổng hợp báo cáo của 20 địa phương có các vụ án liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai cho thấy: Tổng số tiền thi hành theo quyết định của bản án là hơn 332 tỷ đồng. Số tiền đã thi hành các bản án là hơn 100 tỷ đồng, mới đạt tỷ lệ hơn 30% là còn thấp. Tổng số diện tích đất đã thu hồi là gần 700.000m2.
Tại cuộc làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp theo hướng đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực giám định tư pháp, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân ngoài công lập tham gia việc thực hiện giám định tư pháp góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan hành chính nhà nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.