(HNM) - Ngày 21-2, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Trạm thu phí tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang. |
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, trong năm 2016, cơ quan này đã kiểm toán 27 dự án giao thông BOT. Kết quả cho thấy, hầu hết dự án đều chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, chỉ có một số ít là đấu thầu. Các dự án đều có sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Có 11 dự án tính toán, xác định dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng làm tăng 465,5 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khoảng cách giữa các trạm thu phí không bảo đảm tối thiểu 70km làm cho mật độ trạm thu phí dày đặc. Việc này gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hằng ngày phải di chuyển qua lại trạm. Không ít ý kiến phản ánh, dù đi quãng đường rất ngắn nhưng lại trả phí quá cao.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần có quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng BOT.
Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Đoàn sẽ làm việc với Chính phủ, Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT và giám sát tại một số địa phương. Qua đó sẽ xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan; đồng thời, đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.