Chính trị

Nhiều kỳ vọng trong lần đầu “đăng đàn” của Tổng Kiểm toán Nhà nước

Hân - Thành (ghi) 05/06/2024 - 12:59

Sáng 5-6, lần đầu tiên tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn được các đại biểu kỳ vọng sẽ làm minh bạch, sáng tỏ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị):
Các nội dung chất vấn phù hợp, sát, đúng và trúng.

hsd.jpeg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Lần này, Quốc hội chọn Tổng Kiểm toán Nhà nước để chất vấn và trả lời làm sáng tỏ vấn đề mà Quốc hội, cử tri đang còn quan tâm. Những câu hỏi đại biểu đặt ra với Tổng Kiểm toán Nhà nước trong không khí cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, với mong muốn làm minh bạch, sáng tỏ những vấn đề lâu nay còn tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình kiểm toán và xử lý sau kiểm toán.

Những vấn đề về đầu tư công kết hợp đầu tư tư, hình thức BT, BOT còn bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc; trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước; tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán… được các đại biểu tập trung chất vấn. Đây cũng là những nội dung đặt ra trong lần đầu tiên chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước tại nhiệm kỳ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các đại biểu đã chọn chủ đề phù hợp, sát, đúng trúng.

Đầu giờ, Tổng Kiểm toán Nhà nước trả lời được một số câu hỏi nhưng đã nhìn nhận, đi thẳng vào vấn đề, như: Kiểm toán những công trình đầu tư công nhưng lại do doanh nghiệp tư nhân đầu tư nên pháp luật chưa thể hiện rõ ràng. Như vậy, cần cải tiến và sửa đổi những quy định này cho phù hợp để trong quá trình kiểm toán được minh bạch, sát, đúng, trúng, không bị sự chồng chéo, xung đột và hạn chế quyền của kiểm toán. Ngược lại, sau kiểm toán, phải có những kết luận rõ ràng, thực hiện ngay, thất thoát ngân sách nhà nước phải được thu hồi. Nếu có yếu tố vi phạm vượt khỏi tầm của kiểm toán phải chuyển cho cơ quan điều tra; phải xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm có thời hạn nhất định.

Có nhiều vụ việc đại biểu Quốc hội và cử tri còn đang băn khoăn, quan tâm theo dõi các cơ quan chức trách nhà nước kiểm tra, giám sát như thế nào. Trong đó, có những đơn vị được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra vi phạm nhưng đến nay vấn đề thu hồi tài sản, xử lý trách nhiệm chưa được công khai, minh bạch.

Qua phiên chất vấn sáng nay, tôi tin tưởng rằng, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ nhìn nhận được vai trò, trách nhiệm của mình để xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm toán Nhà nước nâng cao trình độ năng lực cũng như thực thi công vụ trách nhiệm trước cử tri, nhân dân; rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để phối hợp thực hiện tốt hơn thời gian tới.

Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang):
Bám sát nội dung, trả lời trực tiếp, thẳng thắn các chất vấn

d5ce0223dcbc7ce225ad.jpg
Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang). Ảnh: TTXVN.

Trả lời chất vấn như một bài thi vấn đáp, ai tham gia cũng chịu áp lực giải trình rất lớn trước hàng trăm đại biểu Quốc hội và sự theo dõi, giám sát của hàng triệu cử tri, nhân dân. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã thực hiện rất tốt, cho thấy khả năng bám sát các nội dung câu hỏi và trả lời trực tiếp, thẳng thắn.

Đối với nội dung chất vấn về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm, tôi cho rằng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trả lời chất vấn rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Việc triển khai kiểm toán, cần phải nhìn nhận ở góc độ đánh giá đầy đủ, toàn diện mọi hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

Chính vì vậy, kiểm toán không phải là cơ quan chuyên sâu, đi vào các vụ việc cụ thể như thanh tra, điều tra. Điều đó khiến cho kết quả kiểm toán có thể chưa đi đến cùng như các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) năm 2019 và Luật Phòng, chống tham nhũng có giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phòng, chống tham nhũng, theo quan điểm của tôi, dù luật đã giao nhiệm vụ nhưng điều kiện thực hiện kiểm toán phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để khắc phục vấn đề này.

Kiểm toán Nhà nước nghiêng về “hậu kiểm”, do đó, khi các đối tượng vi phạm có hành vi làm giả, cấu kết hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thì kiểm toán sẽ gặp khó khăn nhất định. Vì vậy, cần có giải pháp hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm toán…

Để thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cần rà soát, đánh giá đầy đủ nguyên nhân, nguyên nhân đến đâu thì phải giải quyết đến đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều kỳ vọng trong lần đầu “đăng đàn” của Tổng Kiểm toán Nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.