Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiếm tìm những thỏa thuận mới

Đình Hiệp| 14/09/2014 05:44

(HNM) - Với lịch trình dày đặc các hoạt động, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 13-9 đã rời thủ đô Manila lên đường thực hiện chuyến thăm chính thức một tuần tới 4 quốc gia Châu Âu gồm: Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức.



Thúc đẩy hơn nữa các thỏa thuận hợp tác kinh tế - thương mại cũng như an ninh - chính trị được xem là những trọng tâm ưu tiên trong nghị trình chuyến công du Châu Âu đầu tiên của Tổng thống B.Aquino kể từ khi nhậm chức năm 2010 đến nay.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm 4 nước Châu Âu của Tổng thống Benigno Aquino.


Trên tinh thần đó, nhà lãnh đạo B.Aquino được cho là sẽ sẵn sàng mở cửa hơn nữa với các nhà đầu tư của 4 nền kinh tế hàng đầu trong Liên minh Châu Âu (EU) trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, du lịch, công nghệ thông tin… của Philippines thông qua các dự án theo hình thức công - tư (PPP). Đây cũng là những ưu tiên đang được Chính phủ Philippines theo đuổi.

Vượt lên những khó khăn kinh tế chung trong khu vực, Philippines đã lấy lại vị thế một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Châu Á khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II vừa qua đạt 6,4%. Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Arsenio Balisacan nhận định, nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay của Philippines đạt trên 6% đã làm gia tăng hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5% đến 7,5% trong năm nay. Những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế Philippines sẽ khiến giới lãnh đạo cũng như các nhà đầu tư của 4 quốc gia Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức đặc biệt quan tâm. Đây được xem là một trong những "bằng chứng" thuyết phục nhất để các nhà đầu tư cân nhắc trước khi chọn quốc gia Đông Nam Á này làm điểm đến.

Việc Philippines không ngừng đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại với các nền kinh tế thành viên EU là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay. Trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines cuối tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch kiêm đại diện cao cấp EU phụ trách về ngoại giao và chính sách an ninh Catherine Ashton tuyên bố, EU sẽ tăng gấp đôi viện trợ phát triển cho Philippines lên 325 triệu euro (hơn 435 triệu USD) trong 6 năm tới nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai bên. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines, với kim ngạch thương mại song phương đạt 11 tỷ euro trong năm 2013. Với khoản viện trợ gia tăng, EU sẽ tập trung hỗ trợ Philippines tạo việc làm, phát triển năng lượng bền vững, tăng cường pháp luật và tăng trưởng toàn diện…

Chuyến công du 4 quốc gia Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc có dấu hiệu xuống dốc vì tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông chưa chấm dứt. Năm ngoái, Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa hai nước, nhưng Bắc Kinh đã từ chối tham gia quá trình tố tụng. Mới đây PCA thông báo Tòa đã yêu cầu Trung Quốc đến ngày 15-12 tới phải nộp hồ sơ phản biện vụ Philippines kiện Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cuộc tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia, trong đó có EU đối với nỗ lực của Manila là hết sức cần thiết, được đặc biệt ưu tiên trong nghị trình chuyến thăm đang diễn ra.

Ngay trước thềm chuyến thăm EU của Tổng thống B.Aquino, Philippines đã khai mạc cuộc trưng bày các bản đồ cổ về bãi cạn Scarborough (còn được gọi là đảo Hoàng Nham) trên Biển Đông vốn là tâm điểm các tranh chấp chủ quyền kéo dài nhiều năm qua giữa Bắc Kinh và Manila. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố, các tài liệu được giới thiệu trong triển lãm là bằng chứng thuyết phục bác bỏ cái gọi là "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh trên Biển Đông như một tuyên bố chủ quyền mang tính bành trướng vi phạm luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Cho dù từ lâu EU cũng như Mỹ luôn khẳng định sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thế nhưng, việc EU ủng hộ Philippines đưa tranh chấp trên Biển Đông ra Tòa PCA nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho những xung đột trên Biển Đông được xem là cơ sở tin cậy để Philippines tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ. Theo Trợ lý Bộ trưởng phụ trách vấn đề Châu Âu, Bộ Ngoại giao Philippines Maria Collinson, bên cạnh việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Châu Âu, Tổng thống B.Aquino cũng sẽ đưa ra các đề xuất nhằm ngăn chặn Trung Quốc làm tăng thêm căng thẳng ở Biển Đông. Dự kiến trong các cuộc gặp với lãnh đạo 4 nước Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức lần này, Tổng thống B.Aquino sẽ trình bày "Kế hoạch hành động 3 điểm" nhằm kêu gọi Trung Quốc ngừng mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiếm tìm những thỏa thuận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.