(HNM) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến thị trường và tình hình tăng trưởng tín dụng, lãi suất của hệ thống tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn đối với nền kinh tế, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước; tiết giảm chi phí để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngân hàng Nhà nước lưu ý, sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý với các tổ chức tín dụng này.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức hội nghị trao đổi, thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi và phát triển.
100% hội viên hiệp hội đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm, kể cả khuyến mại cộng lãi suất. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tiết giảm chi phí. 16 tổ chức tín dụng đã đăng ký giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 3%/năm, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Đầu tháng 12-2022, khi phân bổ hạn mức tín dụng tăng thêm, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay thấp là một trong những điều kiện để tổ chức tín dụng được cấp hạn mức tín dụng cao. Và lần này, việc ngân hàng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố để Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tín dụng trong năm 2023 cho ngân hàng đó. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng.
Tín dụng ngân hàng hiện đang là kênh vốn quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, trong năm 2020-2021, ngành Ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Những tháng đầu năm 2022, lãi suất điều hành được giữ nguyên trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh do lạm phát. Từ tháng 9-2022, Ngân hàng Nhà nước mới quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng là vấn đề vô cùng khó khăn. Trong ngắn hạn có thể phải lựa chọn, đánh đổi giữa các mục tiêu. Tuy nhiên, điều hành chính sách phải linh hoạt, kịp thời. Khi các yếu tố lạm phát, ổn định vĩ mô có dấu hiệu tích cực, cần phải xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời có giải pháp kiểm soát dòng vốn vào đúng lĩnh vực cần thiết.
Trong bối cảnh hiện nay, “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro” đối với các tổ chức tín dụng chính là việc tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Các ngân hàng đã cam kết cần thực hiện nghiêm túc giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Những ngân hàng chưa cam kết cần khẩn trương xây dựng và công khai cam kết giảm lãi suất của mình. Cùng với đó, các ngân hàng chủ động đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là nguồn lực quan trọng để tạo ra nguồn vốn rẻ cho nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.