Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát thủ tục hành chính ở Hà Nội: Còn nhiều bất cập

Hiền Chi| 10/07/2012 06:20

(HNM) - TP Hà Nội đang tích cực triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại các đơn vị đã cho thấy không ít vấn đề bất cập, nếu các cơ quan chức năng không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả của công tác này.


Nhiều việc, thiếu chính sách

Qua hai tháng Sở Tư pháp triển khai rà soát đã thấy số TTHC cần chỉnh sửa rất lớn. Rà soát 138 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Sở Tư pháp đề nghị hủy bỏ 55 TTHC; bổ sung mới 30 thủ tục; chỉnh sửa, bổ sung 85 thủ tục. Sở Tư pháp cũng đã hoàn thành việc rà soát, lấy ý kiến 29 đơn vị tư pháp cấp huyện, tổng hợp và chuẩn bị dự thảo quyết định trình Chủ tịch UBND TP sửa đổi, bổ sung TTHC cấp huyện và cấp xã. Sau khi rà soát, Sở Tư pháp sẽ đề nghị rút từ 53 thủ tục cấp xã xuống còn 29 thủ tục và từ 13 TTHC tư pháp cấp huyện rút xuống còn 12 TTHC.

Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Huyền Linh


Huyện Từ Liêm đã rà soát 369 TTHC cấp huyện, kiến nghị TP công bố bổ sung 28 TTHC và chỉnh sửa bổ sung 17 TTHC; đồng thời, rà soát 12.348 văn bản hành chính để bảo đảm tính hợp pháp của các văn bản do huyện ban hành. Thực tế cho thấy, khối lượng công việc mà cán bộ làm công tác rà soát TTHC ở các đơn vị rất lớn. Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương: "Nếu việc rà soát không được tiến hành thường xuyên, để lâu mới làm thì sẽ rất vất vả bởi công tác này đòi hỏi cán bộ phải tỉ mẩn thống kê văn bản pháp luật (VBPL) có liên quan; rà soát TTHC, quy định có liên quan, lập bảng phân tích sơ bộ (nêu rõ yêu cầu về hồ sơ, điều kiện của TTHC, thời gian thực hiện TTHC) và kiểm chứng thực tế...". Thường xuyên phải thực hiện khối lượng công việc lớn, song cán bộ đầu mối kiểm soát nhiều nơi vẫn kiêm nhiệm và chưa được hưởng chế độ đãi ngộ.

Tại công văn số 486/VPCP-KSTTHC thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát tại cấp sở, ngành, huyện, xã. Tuy nhiên, đến nay TP Hà Nội chưa có chế độ hỗ trợ, động viên cho cán bộ đầu mối trong thực hiện công tác kiểm soát TTHC. Bên cạnh đó, việc thực hiện các khoản chi cho công tác kiểm soát TTHC ở cấp sở, ngành, quận, huyện, xã, phường cũng gặp khó khăn do chưa có mức chi cụ thể. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC khối Nội chính (Cục Kiểm soát TTHC): "Hiện đã có khoảng 10 tỉnh, thành phố áp dụng chế độ chi hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC theo mức: cán bộ thực hiện nhiệm vụ ở cấp tỉnh là 0,5; cấp huyện là 0,3 và cấp xã là 0,2". Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Xuân Phương cho rằng: "Nếu không phân công trách nhiệm và không có chế độ đãi ngộ thì rất khó quy trách nhiệm khi cán bộ có sai sót. Mà theo quy định hiện nay thì mỗi đầu mối kiểm soát TTHC có 2 người, vậy cả TP Hà Nội chỉ có hơn 100 người thì hoàn toàn có thể có chế độ đãi ngộ được".

Quy định nào phù hợp?

Một trong những khó khăn, vướng mắc mà các cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC cũng như chính quyền cơ sở và người dân đang gặp phải là mâu thuẫn giữa các quy định. Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ và nhận GCN tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc UBND xã, thị trấn nơi có đất, tài sản gắn liền với đất. Còn Quyết định 93/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lại quy định nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp huyện. Trong khi đó, Hà Nội có 29 quận, huyện nhưng chưa có 29 văn phòng đăng ký đất và nhà. Thủ tục chứng thực chữ ký (lĩnh vực tư pháp) cũng đang gặp vướng mắc. Theo Nghị định 79/2009/NĐ-CP thì "người ký phải ký trước mặt người chứng thực". Tuy nhiên, khi áp dụng vào cơ chế "một cửa" đã phát sinh vấn đề. Do cán bộ tư pháp không ngồi ở phòng "một cửa" nên nếu thực hiện theo Nghị định 79 thì trái với cơ chế "một cửa", còn thực hiện đúng theo "một cửa" thì lại không đúng với Nghị định 79. Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho rằng: "Nhiều hồ sơ về thi cử, các hồ sơ hành chính thông thường không nhất thiết phải nộp bản sao công chứng, vì mất rất nhiều thời gian, chi phí cho người dân lẫn cơ quan hành chính. Trường hợp người nộp trúng tuyển thì cơ quan yêu cầu mang bản gốc đến đối chiếu hoặc mang bản phôtô công chứng để nộp. Như vậy sẽ tránh tốn kém và lãng phí".

Về công tác kiểm soát TTHC thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh chỉ đạo, để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc do sự chồng chéo các quy định liên quan đến giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa", các sở cần trao đổi, thống nhất với nhau. Điều quan trọng là làm thế nào để người dân đến gặp cán bộ là giải quyết được công việc nhanh chóng. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác rà soát TTHC, chủ động kiến nghị với các cơ quan cấp trên sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho cơ quan hành chính và tổ chức, công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát thủ tục hành chính ở Hà Nội: Còn nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.