Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Nhóm phóng viên| 20/12/2022 06:25

(HNM) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 45/2022/QĐ-UBND (ngày 13-12-2022) về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội. Dư luận cho rằng, đây là biện pháp cần thiết nhằm siết chặt công tác quản lý cán bộ; góp phần tích cực vào việc phòng, chống nạn tham ô, tham nhũng…

Cục Thuế thành phố Hà Nội tiến hành bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 174 người, tương đương 10% tổng số công chức, thuộc diện kê khai hằng năm để thực hiện xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Ảnh: An Nhiên

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì): 
Kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất với các trường hợp nghi vấn

Ở một số quốc gia phát triển, hệ thống công khai, minh bạch tài sản và thu nhập được xem là công cụ đắc lực trong cuộc chiến chống tham nhũng, giúp hỗ trợ ở cả khâu phòng chống, ngăn ngừa và cưỡng chế. Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những năm gần đây, việc xây dựng chính quyền điện tử đang được đẩy mạnh giúp việc xây dựng các nguồn dữ liệu thông tin ngày càng hoàn thiện hơn. Đây là những căn cứ quan trọng giúp cơ quan quản lý xác minh tính chính xác các tờ khai kiểm kê tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức… 

Theo tôi, để việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được thực hiện nghiêm túc, chính xác, cần có cơ chế kiểm tra chéo, kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên với các trường hợp có nghi vấn. Khi đó, các nguồn dữ liệu như thông tin về đất đai, phương tiện cá nhân, tài sản đăng ký, thông tin ngân hàng, thuế… chính là những công cụ quan trọng giúp cơ quan quản lý kiểm tra nội dung và xác minh tính chính xác của nội dung kê khai.

Bà Hoàng Thị Đào, ngõ 99/1/2, phường Thượng Thanh, quận Long Biên: 
Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên không thực hiện  

Theo quy định, những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố gồm: Cán bộ, công chức; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên; người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; người ứng cử đại biểu Quốc hội; người ứng cử đại biểu HĐND. Đối với đảng viên, hằng năm phải kê khai tài sản, thu nhập nếu có sự thay đổi. Việc kê khai thường thực hiện vào đợt đánh giá, kiểm điểm cuối năm. Tuy nhiên, rất nhiều cán bộ, đảng viên không thực hiện nghiêm túc. Đây chính là kẽ hở, tạo điều kiện nảy sinh nạn tham ô, tham nhũng. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ việc Hà Nội có Quyết định số 45/2022/QĐ-UBND, điều này sẽ thêm cơ chế nhằm quản lý chặt chẽ thu nhập của các cán bộ, người có chức vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bà Nguyễn Bích Hà, Khu đô thị Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:  
Cần có cơ chế, cách thức quản lý chặt chẽ 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ví công tác phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức. Đáng nói, tham nhũng chủ yếu diễn ra trong các cơ quan công quyền, với những người có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải được tiến hành một cách kiên trì, liên tục, bền bỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực. Quyết định số 45/2022/QĐ-UBND do UBND thành phố ban hành được dư luận quan tâm, mong mỏi lãnh đạo thành phố có cơ chế, cách thức quản lý chặt chẽ để bảo đảm cán bộ, công chức nghiêm túc thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Uyên, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh: 
Đa dạng phương thức kê khai tài sản, thu nhập

Theo quy định hiện hành, việc kê khai tài sản, thu nhập chỉ được thực hiện vào cuối năm. Việc này tạo kẽ hở cho những đối tượng tham ô, tham nhũng có thời gian dài “tẩu tán” tài sản, thu nhập trước khi đến hạn phải kê khai. Do đó, cần thay đổi phương thức kê khai tài sản, thu nhập, như: Kê khai ở thời điểm đầu và cuối nhiệm kỳ, tức cán bộ, công chức phải kê khai khi mới nhậm chức và khi rời vị trí; kê khai đột xuất khi có phát sinh hoặc thay đổi trong giá trị tài sản, thu nhập... Theo tôi, việc đa dạng phương thức kê khai sẽ góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng.

Ông Bạch Hải Nam, phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình: 
Kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm

Cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được xây dựng tương đối đầy đủ, vì vậy việc cần thiết lúc này là sự tự giác và tính thống nhất cao trong ý chí, hành động và tổ chức thực hiện. Trước tiên, người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi và tự sửa. 

Tuy nhiên, song song với đó phải có cơ chế giám sát hiệu quả. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm. Bất cứ cán bộ nào lạm dụng quyền lực, lợi dụng vị trí công tác để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.