(HNM) - Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân sẽ lớn nên hoạt động buôn bán, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm cũng gia tăng. Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm, ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát ngay bước đầu ở cơ sở, từ sơ chế, chế biến đến các chợ dân sinh.
An toàn thực phẩm... vẫn đáng lo
Những ngày này, tại chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) việc buôn bán gia cầm đã sôi động hơn rất nhiều so với các tháng trước. Theo Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ Lê Thanh Bình, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ước tính lượng gia cầm tiêu thụ trung bình mỗi ngày tại chợ là 35-40 tấn, những ngày gần Tết, có thể lên tới 50-60 tấn. Do đó, công tác kiểm dịch sẽ được tăng cường ở mức cao nhất. "Tất cả phương tiện vận chuyển gia cầm khi vào chợ phải xuất trình giấy tờ kiểm dịch được cơ quan chức năng cấp. Các trường hợp không xuất trình đủ giấy tờ kiểm dịch, các lô hàng không rõ nguồn gốc sẽ bị lập biên bản xử lý và tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, Ban Quản lý chợ thường xuyên tiến hành phun thuốc tiêu trùng, khử độc trên các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn…" - ông Lê Thanh Bình khẳng định.
Tương tự, hoạt động tại các lò mổ hiện cũng đã sôi động. Chủ cơ sở giết mổ ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ khoảng 1.600-1.700 con lợn, vào dịp Tết có thể lên tới 2.000 con. Hơn 60% số lợn giết mổ tại cơ sở nhập từ các tỉnh, thành phố khác về.
Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, việc buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm cũng sẽ tăng mạnh và kiểm soát sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường vẫn là “bài toán” nan giải. Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cho biết: Các tỉnh, thành phố chưa hình thành được nhiều vùng chăn nuôi tập trung và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thường hoạt động vào ban đêm nên gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm 60%. Cùng với đó, thành phố có 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì chiếm tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong khu dân cư... Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 150 mẫu thịt để giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì có 28 mẫu không đạt đối với chỉ tiêu vi khuẩn E.Coli (chiếm 18,6%); 9 mẫu không đạt với chỉ tiêu vi khuẩn Salmonella (chiếm 6%). Điều này cho thấy, vấn đề vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm vẫn rất đáng lo ngại.
Xử lý nghiêm vi phạm
Cùng với việc gia tăng hoạt động giao thương, buôn bán gia súc, gia cầm, nguy cơ dịch bệnh lây lan qua đường vận chuyển đang hiện hữu. Để đối phó với nguy cơ này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết: Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra sản phẩm động vật, động vật và khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hướng an toàn. Mặt khác, lực lượng chức năng của huyện sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm dịch tại các điểm giết mổ, chợ dân sinh… để kịp thời phát hiện những lô hàng không rõ nguồn gốc, ngăn chặn mầm bệnh lây lan, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Còn theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Trì Nguyễn Khả Khoa, trong dịp Tết Nguyên đán, số lượng lợn nhập qua cơ sở giết mổ trên địa bàn sẽ tăng tới 20-30%. Hiện Trạm đã chủ động phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường và các địa phương tăng cường xử lý các vi phạm trong hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm dịch tận “gốc” và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh, buôn bán, sơ chế động vật và sản phẩm động vật.
Thành phố sẽ duy trì hoạt động của 7 chốt kiểm dịch động vật liên ngành (24/24 giờ) nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh vào thành phố… Cùng với việc tuyên truyền, vận động các cơ sở giết mổ, sơ chế, thu gom, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.