Luận đàm thời sự

Kiểm soát rủi ro

Đại sứ Trần Đức Mậu 21/05/2024 - 06:16

Cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ bất ngờ có diễn biến mới khi hai ứng cử viên là Joe Biden thuộc đảng Dân chủ và Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa thỏa thuận sẽ có hai lần tranh luận trực tiếp với nhau trên truyền hình vào cuối tháng 7 và đầu tháng 9 tới.

Họ phá bỏ những quy tắc và thông lệ được áp dụng từ gần 5 thập kỷ nay về tranh luận công khai giữa các ứng cử viên tổng thống ở nước Mỹ.

Hình thức vận động tranh cử này được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1960 và là tự phát giữa hai ứng cử viên tổng thống John F.Kennedy và Richard Nixon. Về sau, một tổ chức liên đảng ở Mỹ được thành lập chuyên về tổ chức các cuộc tranh luận này. Hình thức được áp dụng phổ biến nhất cho đến nay là các ứng cử viên tổng thống tranh luận với nhau 3 lần và các ứng cử viên phó tổng thống tranh luận với nhau 1 lần. Thời điểm diễn ra các cuộc tranh luận được ấn định là sau khi các ứng cử viên đều đã được phe cánh chính trị của họ chính thức đề cử làm ứng cử viên chính thức và thường chỉ trong khoảng thời gian một tháng trước ngày bầu cử.

Bây giờ, ông Joe Biden và ông Donald Trump làm đảo lộn tất cả. Họ bỏ qua đơn vị tổ chức liên đảng kia, tự thỏa thuận với nhau về điều kiện và thời điểm, tự chọn hãng truyền hình và tự quyết số lần tranh luận với nhau. Hai điều khác biệt lớn nhất so với thông lệ là các cuộc tranh luận diễn ra sớm chưa từng thấy, khi họ còn chưa được phe cánh chính trị của mình đề cử làm ứng cử viên tổng thống chính thức và tranh luận trực tiếp trên truyền hình nhưng không có khán giả.

Chuyện này khởi nguồn từ sự khiêu chiến của ông Donald Trump nên sau khi ông Joe Biden tiếp chiến thì ông Donald Trump không còn có đường lùi. Thật ra, cả hai chủ động phá thông lệ lâu nay ở nước Mỹ để biến cuộc chơi vốn do bên thứ ba vận hành và dẫn dắt thành cuộc chơi riêng của họ. Toan tính và mục đích của họ khá giống nhau.

Cả hai đều muốn tranh luận sớm với nhau để vừa tránh rủi ro do sai sót trong trong phát ngôn và bất cập trong quan điểm mà không còn có đủ thời gian để sửa sai và xoay chuyển tình thế nếu tranh luận với nhau vào thời điểm chỉ ít ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử. Cả hai đều muốn dùng việc tiến hành tranh luận từ rất sớm để thể hiện sự khác biệt cơ bản với nhau về cả quan điểm chính trị lẫn tính cách cá nhân nhằm tranh thủ diện cử tri hiện vẫn còn trung dung hoặc không có ý định đi bầu cử. Ai trong số họ tranh thủ được diện cử tri này thì chắc chắn sẽ đắc cử trong lần bầu cử tổng thống tới. Cả hai đều chủ định tận dụng khoảng thời gian có được từ sau 2 cuộc tranh luận với nhau đến ngày bầu cử vào việc tung ra những chiêu thức vận động tranh cử thích hợp để chinh phục diện cử tri này. Ngoài ra, cả hai đều chỉ muốn tranh luận tay đôi với nhau chứ không muốn cho bất cứ ứng cử viên thứ ba nào tham gia cuộc chơi này.

Ông Donald Trump có ý khai thác tối đa điểm yếu của ông Joe Biden là không hoạt ngôn và cho đến nay đã không ít lần nói lẫn và nhầm. Còn ông Joe Biden lại chủ định làm cho cử tri ở Mỹ khi đi bỏ phiếu bầu tổng thống là lựa chọn giữa mình và ông Donald Trump chứ không phải tham gia một cuộc trưng cầu dân ý về nhiệm kỳ tổng thống sắp hết của mình.

Cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ vì việc ông Biden và ông Trump chọn lối đi riêng như vậy nên sẽ diễn biến đầy bất ngờ và bất định trong thời gian tới. Xem ra, cả hai đều quyết tâm kiểm soát rủi ro sớm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.