Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm: "Trọng tài" xử lý vi phạm

Xuân Lộc| 18/10/2018 06:26

(HNM) - Việc kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và bảo đảm an ninh xã hội về lĩnh vực thực phẩm.


Lo ngại kết quả sai lệch, thiếu nhất quán

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ban hành ngày 2-2-2018, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, công tác hậu kiểm chất lượng an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, vì vậy, các mẫu xét nghiệm ngày càng có xu hướng tăng cao.

Trong năm 2017, Viện Kiểm nghiệm an toàn, vệ sinh thực phẩm quốc gia đã thực hiện kiểm nghiệm hơn 40.000 mẫu thực phẩm các loại và dự kiến năm 2018 kiểm nghiệm khoảng 80.000 mẫu.

Phân tích hàm lượng độc chất trong thực phẩm.


PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hơn 90% doanh nghiệp tự công bố sản phẩm của mình. Dù vậy, trong hồ sơ, doanh nghiệp vẫn phải kèm một phiếu kiểm nghiệm kết quả sản phẩm. Căn cứ vào đó, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ tiến hành hậu kiểm, tức là lấy mẫu các sản phẩm lưu thông trên thị trường để phân tích (hàm lượng, chỉ tiêu, giới hạn an toàn theo quy định của Bộ Y tế) xem có đúng như bản công bố không.

“Việc hậu kiểm này phụ thuộc vào kết quả của các phương pháp kiểm nghiệm. Nếu kết quả kiểm nghiệm chính xác sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định xử lý vi phạm chính xác và ngược lại” - PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Còn theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn, vệ sinh thực phẩm quốc gia, kiểm nghiệm thực phẩm là công cụ duy nhất, là bằng chứng khoa học trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất, đó là kết quả kiểm nghiệm đôi khi còn sai lệch, thiếu nhất quán.

Thực tế hiện nay, các phòng thí nghiệm được áp dụng các phương pháp kiểm nghiệm khác nhau, nên cùng một sản phẩm, có thể cho kết quả đánh giá chất lượng an toàn khác nhau. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý và mất niềm tin của người tiêu dùng.

Do đó, cần thống nhất phương pháp kiểm nghiệm với tất cả các phòng thí nghiệm, để với mỗi sản phẩm, nhà quản lý ở các vị trí khác nhau đều thấy chất lượng an toàn giống nhau ở kết quả kiểm nghiệm.

Thời gian qua, hệ thống kiểm nghiệm của nước ta đã được chú trọng đầu tưtừ tuyến trung ương đến địa phương. Song, những trang thiết bị hiện đại, chính xác vẫn chủ yếu tập trung ở tuyến trung ương. Nhiều địa phương chưa đủ năng lực xét nghiệm một số chỉ tiêu gây hại trong thực phẩm, phải gửi lên tuyến trên và thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm phải mất từ 10 đến 15 ngày, ảnh hưởng đến việc xử lý sai phạm...

Nâng cao năng lực kiểm nghiệm tuyến địa phương

Hiện ở Việt Nam đã có 55/63 cơ quan kiểm nghiệm được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 17025 về thực hiện, thực hành phòng kiểm nghiệm tốt. Ngoài ra, nước ta cũng đã chỉ định được một số cơ sở kiểm nghiệm tư nhân đạt tiêu chuẩn chất lượng tham gia phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, nếu có chất nào đó cần xét nghiệm mà nằm ngoài ngân hàng chất chuẩn của kiểm nghiệm nhà nước, thì chúng ta có thể gửi sang các phòng kiểm nghiệm tư nhân.

Đặc biệt, hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam đã được đầu tư hiện đại, với các thiết bị ngang tầm quốc tế, cho phép phát hiện cả chất chưa biết, định danh chính xác vi sinh vật ô nhiễm trong thực phẩm hoặc định danh chính xác nguyên nhân các vụ ngộ độc, mà trước đây muốn biết chính xác phải gửi mẫu ra nước ngoài. Nhờ đó, giúp ngăn ngừa tốt hơn nguy cơ gây ngộ độc, đồng thời kịp thời ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng tuồn ra thị trường.

Kiểm nghiệm thực phẩm là công cụ duy nhất, là bằng chứng khoa học trong việc kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm. Kiểm nghiệm phải áp dụng trong kiểm nghiệm nguyên liệu, kiểm nghiệm bán thành phẩm và kiểm nghiệm thành phẩm.

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm thực phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài phương pháp thử, trang thiết bị, con người, vấn đề lấy mẫu, vận chuyển và bảo quản mẫu vô cùng quan trọng và cần thiết. Để kết quả kiểm nghiệm được chính xác, Bộ Y tế đã ban hành quy định về người lấy mẫu phải được tập huấn, cấp chứng chỉ.

Bên cạnh đó, phương pháp lấy mẫu phải đúng, bảo đảm tính đại diện, khách quan. Phương pháp vận chuyển mẫu, bảo quản mẫu cũng phải bảo đảm đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong tình hình mới về quản lý an toàn thực phẩm (giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm) cũng như với sự phát triển của khoa học kiểm nghiệm an toàn thực phẩm trên thế giới ngày càng tiến bộ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương bằng các hình thức: Cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm nghiệm… làm sao để việc kiểm nghiệm thực hiện đúng nhiệm vụ là "trọng tài" xử lý vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm: "Trọng tài" xử lý vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.