Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến nông Việt Nam: Kinh phí ít, đầu tư dàn trải

Đào Huyền| 28/02/2013 07:05

(HNM) - Với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền; đào tạo, huấn luyện; xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao, công tác khuyến nông đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông nghiệp Việt Nam.

Hoạt động khuyến nông chưa tạo được động lực mạnh cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trình độ cao. Ảnh: Thái Hiền


Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao đã hình thành từ hoạt động khuyến nông (KN) như mở rộng trà lúa xuân muộn, áp dụng kỹ thuật làm mạ dày xúc che phủ nilon; gieo thẳng; thêm vụ đông ở các tỉnh phía Bắc; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; hình thành các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy, hải sản quy mô lớn… Những mô hình đạt 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha trong nông nghiệp là kết quả cụ thể đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động KN đang gặp nhiều khó khăn nguồn lực đầu tư cho KN ở các địa phương còn thấp. Năm 2012 cho thấy, có tới 20% số tỉnh, thành phố đã giảm nguồn kinh phí cho hoạt động KN.

Đặc biệt, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên… rất cần đẩy mạnh hoạt động KN nhưng do ngân sách khó khăn nên không triển khai được nhiều chương trình, chậm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và dạy nghề cho nông dân. Là quốc gia nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn nhưng kinh phí đầu tư cho KN của Việt Nam còn thấp. Năm 2012, tổng kinh phí KN trung ương và địa phương khoảng 550 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nông dân được đầu tư khoảng 50.000 đồng (tương đương 2,5 USD). Trong khi nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… mức đầu tư bình quân từ 50-80 USD/hộ. Nguồn kinh phí đã thấp lại đầu tư dàn trải, nên không tạo được các mô hình lớn hiệu quả. Ở nhiều địa phương rất thiếu những mô hình tốt cho việc mở rộng đại trà. Các chương trình KN thực hiện theo cơ chế đấu thầu, rải đều nên không tạo được bứt phá từ các mô hình, kém hấp dẫn và chưa mang lại hiệu quả cao.

Một vấn đề nữa, cơ chế hỗ trợ KN cũng chưa phân biệt rõ KN phục vụ xóa đói giảm nghèo và KN phục vụ sản xuất hàng hóa. Cơ chế hỗ trợ KN hiện tại chủ yếu phù hợp với mô hình nông hộ sản xuất quy mô nhỏ và trình độ công nghệ trung bình, chưa tạo động lực mạnh đối với hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn và trình độ công nghệ cao. Ngoài ra, chất lượng và năng lực của cán bộ KN, nhất là cán bộ KN cơ sở chưa đồng đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác KN và dạy nghề cho nông dân.

Nếu đầu tư đúng trọng điểm, hệ thống khuyến nông sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn cho người nông dân. Ảnh: Thái Hiền


Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần nhanh chóng chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại, trang bị kiến thức mới trong tổ chức sản xuất, quản lý kinh doanh cho nông dân. Điều đó đòi hỏi KN phải không ngừng đổi mới, cập nhật và nắm vững chuyên môn, cải tiến nội dung và phương pháp hoạt động để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của nền nông nghiệp hàng hóa. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu: Hoạt động KN cần bám sát chiến lược phát triển ngành đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, phương thức hỗ trợ KN cần điều chỉnh theo hướng phân biệt rõ hơn đối với hai nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ sản xuất thuộc vùng đặc biệt khó khăn… và hộ sản xuất hàng hóa lớn, chủ trang trại, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ… Bên cạnh đó, cần xã hội hóa công tác KN, huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho hoạt động KN, trong đó hình thức hợp tác công - tư cần được thí điểm để nhân rộng.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, nông nghiệp đang trở thành "bà đỡ" cho nền kinh tế trong nước, do đó tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, trong đó có công tác KN là nhu cầu cấp bách. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần khắc phục tình trạng đầu tư nguồn lực KN phân tán, dàn trải, hệ thống KN từ trung ương đến địa phương cần căn cứ vào định hướng tái cơ cấu sản xuất ngành và điều kiện thực tế từng vùng, miền để xây dựng các chương trình. Các chương trình KN cần hướng vào phục vụ trực tiếp các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đặc biệt, hệ thống KN cần mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực và thế giới, hình thành chuỗi liên kết các thị trường, thúc đẩy hàng nông sản Việt Nam vươn xa hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến nông Việt Nam: Kinh phí ít, đầu tư dàn trải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.