(HNMO) - Thuốc lá điện tử là môi trường cho các loại ma túy mới tồn tại. Do đó, phải dứt khoát cấm thuốc lá điện tử tại nước ta...
Đó là khuyến cáo được đưa ra tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức vào chiều 26-12.
Theo các chuyên gia, có hàng nghìn chất hóa học khác nhau tạo nên thuốc lá điện tử, sau khi đốt cháy tạo nên nhiều loại hóa chất khác nhau, gây nên một loạt các bệnh mới với người sử dụng lâu dài.
Mới đây, ở Mỹ phát hiện gần 3.000 người trẻ bị tổn thương phổi cấp liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có 68 người tử vong. Có người cho cả vitamin E vào thuốc lá điện tử, khi đốt cháy sẽ biến thành chất độc gây tổn thương phổi. Đặc biệt, càng ngày càng nhiều bệnh mới do sử dụng thuốc lá điện tử.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) dẫn chứng về tác hại của thuốc lá điện tử với tim mạch như gây tăng huyết áp, loạn nhịp tim, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, thuốc lá điện tử cũng gây các tác dụng khác đối với hô hấp, như: Viêm phế quản, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giảm khả năng đề kháng của đường hô hấp với vi trùng, nguy cơ ung thư.
“Thuốc lá điện tử cũng tác động đến thần kinh như gây đau đầu, chóng mặt, hốt hoảng, lo lắng, giảm tập trung, khó ngủ và gây nghiện. Bởi vì trong thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy. Trong thực tế, nhiều bạn trẻ hút xong lăn ra bất tỉnh, người sống thì ngơ ngác. Có người đến viện trong tình trạng co giật cơ tim, chết não…”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử đa dạng, thay đổi liên tục. Các hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục. Do đó, nếu không giải quyết hiệu quả sẽ tăng gánh nặng toàn xã hội.
“Thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện nhiều loại ma túy mới, chất gây nghiện, ma túy tổng hợp mới xuất hiện trong thuốc lá điện tử. Tôi mạnh dạn khuyến cáo phải dứt khoát cấm thuốc lá điện tử tại nước ta. Việc này cần phải làm sớm và làm ngay”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện Tổ chức HealthBridge Việt Nam cho biết, trên thế giới hiện nay có nhiều xu hướng khác nhau đối với các loại thuốc lá điện tử.
Hiện đã có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cấm bán hoàn toàn đối với các loại thuốc lá điện tử; 3 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm bán sản phẩm thuốc lá điện tử có chưa nicotine. Ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ. Đây cũng được xem là quy định cấm bán bởi không có nhà sản xuất trải qua quy trình pháp lý để đạt giấy phép chứng nhận là dược phẩm hoặc biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Để hạn chế tình trạng hút thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian tới cần tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá để giảm sức mua; đồng thời thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, bán thuốc lá, đặc biệt quản lý trên các kênh mạng xã hội, internet… Cùng với đó, xây dựng ban hành chính sách quy định về cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.