(HNMO) - Ngày 27-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Nền kinh tế tuần hoàn: Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm thiểu chất thải.
Hiện, chất thải chưa qua xử lý đã được xả trực tiếp hoặc gián tiếp ra môi trường đang gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí đang diễn ra ở nhiều nơi, do nhiều đối tượng gây ra. Việc này gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái và sức khỏe con người. Một số trường hợp, điển hình như Fomosa đang gây hoang mang, bức xúc dư luận xã hội. Thực tế trên cũng đặt ra yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; hướng tới hoạt động sản xuất sạch, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên.
Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu được quan tâm và đầu tư cho phương án, hệ thống xử lý chất, nước thải thì các phế phẩm, chất thải có thể được tái chế, quay lại trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, phục vụ con người một cách an toàn, tiết kiệm. Đây cũng là điều kiện phù hợp để giúp các nền kinh tế giảm thiểu mức khai thác tài nguyên, nhất là đối với rừng, nguồn nước và khoáng sản.
Theo TS Huỳnh Trung Hải (Đại học Bách Khoa Hà Nội), vấn đề đặt ra là hiệu quả công tác tuyên truyền, sự đồng thuận về nhận thức cũng như quyết tâm hành động từ cấp điều hành vĩ mô đến địa phương, đoàn thể, người dân… Đây cũng là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh bùng nổ kinh tế và gia tăng dân số ở hầu hết các quốc gia.
Đại diện Tổng cục Môi trường, các doanh nghiệp cần có sự chủ động đổi mới phương thức sản xuất-kinh doanh thông qua nhiều hình thức khác nhau, cũng như tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đó là cách thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng năng suất lao động của các đơn vị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.