(HNM) - Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran tại Mátxcơva (Nga), đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp (18 và 19-6).
Trái với kỳ vọng của giới quan sát, cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cùng với Đức) và đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh, đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton đã không đạt được tiến triển nào trong việc khai thông bế tắc liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Sau cuộc đàm phán tại Mátxcơva không thành công, cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran càng lún sâu và bế tắc. |
Trước cuộc đàm phán, thái độ của các bên đã làm dấy lên hy vọng mới. Về phía Iran, nhiều dấu hiệu cho thấy quốc gia Hồi giáo này có thể giảm cường độ các hoạt động làm giàu urani nhạy cảm. Tối 17-6, trên trang web cá nhân, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thông báo, Tehran sẵn sàng ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20% nếu Châu Âu cam kết chuyển nhiên liệu hạt nhân vào các lò phản ứng của nước Hồi giáo này. Tổng thống M.Ahmadinejad khẳng định sẵn sàng có "bước đi tích cực" trong cuộc đàm phán và hy vọng cuộc đàm phán quan trọng này sẽ đạt được tiến triển. Trước thềm cuộc gặp, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Saeed Jalili cũng bày tỏ "cuộc đàm phán là một phép thử lớn về việc phương Tây ủng hộ hay chống lại tiến bộ của Iran liên quan chương trình hạt nhân". Các nước phương Tây cũng đưa ra tín hiệu tích cực khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ngày 12-6, cho biết, tại cuộc đàm phán, phương Tây sẽ giới thiệu khái quát với Iran một "đường hướng hết sức rõ ràng" thông qua giải pháp ngoại giao để giải quyết bế tắc liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Đường hướng này có thể kiểm chứng được và gắn với cơ chế hành động đổi lấy hành động. Đây được xem là cơ hội cuối cùng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran bằng biện pháp ngoại giao.
Nhưng cuộc hội đàm đã kết thúc và không mang lại hy vọng khả quan nào. Trong suốt 48 giờ đàm phán, hai bên đã không đạt được giải pháp chung để giải quyết bất đồng. Phía Iran kiên quyết khẳng định chương trình hạt nhân là vì mục đích dân sự và hòa bình; đồng thời không từ bỏ quyền làm giàu urani và yêu cầu phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Điều kiện này của Tehran đã không được Mỹ và EU chấp thuận. Nhóm P5+1 bày tỏ lo ngại việc nhượng bộ Iran có thể giúp Tehran trì hoãn và đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU đã được đưa ra và bắt đầu có hiệu lực trong hai tuần tới khiến sức "nóng" trong khu vực ngày càng gia tăng.
Rõ ràng, niềm lạc quan vừa bị đánh mất tại Mátxcơva là do những khác biệt không thể nhượng bộ trong lập trường của các bên liên quan về chương trình hạt nhân của Iran. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hồi trung tuần tháng 6 này, giáo sĩ cao cấp của Iran Ahmad Jannatu nhấn mạnh, nhiều năm qua, Tehran đã trụ vững trước sức ép từ phương Tây cũng như các biện pháp trừng phạt để bảo vệ các quyền về năng lượng hạt nhân và quốc gia này sẽ không từ bỏ các quyền đó. Cùng với những tuyên bố cứng rắn, quốc gia Hồi giáo này cũng chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Theo Tư lệnh Hải quân Iran Habibollah Sayyari, hải quân nước này sẽ đáp trả mọi hành động đe dọa an ninh trong lãnh hải. Trước đó, một phó tư lệnh hải quân Iran cũng khẳng định Tehran đang vạch kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân...
Cùng với sức ép trên bàn đàm phán, nhiều biện pháp quân sự đang được các cường quốc phương Tây đẩy mạnh. Ngay trong quá trình đàm phán diễn ra, Israel liên tục phát đi tín hiệu về một hành động quân sự nếu Tehran và P5+1 không tìm được giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, cam kết nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để chặn đứng sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân ở Iran.
Một "cơn bão" mới đang hình thành ngay sau cuộc đàm phán tại Mátxcơva và các cơ sở hạt nhân của Iran chính là mắt bão. Không ai muốn một cuộc chiến Trung Đông mới bùng nổ, nhưng nếu cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran vẫn lâm vào bế tắc rất có thể sẽ kéo theo những hệ lụy khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.