Ngày 2/8, Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo khủng bố và tội phạm có tổ chức đang gia tăng ở châu Phi, đồng thời kêu gọi các nước châu lục này hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn hai loại tội phạm trên.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Liên hợp quốc nhấn mạnh các vụ khủng bố mới đây như vụ giết hại nhân viên cứu trợ người Pháp ở Tây Phi, các vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Campala của Uganda,… cho thấy châu Phi đã trở thành điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố.
Nạn khủng bố ở châu Phi có thể nghiêm trọng hơn do việc kiểm soát các đường biên giới còn lỏng lẻo, mức sống của người dân thấp, căng thẳng chính trị, xã hội và tôn giáo gia tăng.
Tây Phi trở thành địa bàn trung chuyển ma túy từ Nam Mỹ tới châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Các tổ chức khủng bố sử dụng các khoản tiền thu được từ buôn bán ma túy để mua vũ khí và tiến hành các vụ tấn công khủng bố.
Nguy cơ nông dân nghèo và người dân thành thị có thu nhập thấp bị lôi kéo vào các hoạt động buôn bán ma túy, vũ khí và tấn công khủng bố ngày càng gia tăng.
Ông Jean-Paul Laborde, Chủ tịch Nhóm đặc nhiệm chống khủng bố của Liên hợp quốc (CTITF), nêu rõ tình trạng khủng bố tăng mạnh ở châu Phi gắn liền với các loại tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, do đó các nước châu Phi cần hành động để phá vỡ mối quan hệ này.
Ngoài ra, các nước khác trên thế giới cũng cần mở rộng chiến lược chống khủng bố để giải quyết hiệu quả các vấn đề vi phạm nhân quyền, xung đột tôn giáo và mâu thuẫn sắc tộc.
Chủ tịch CTITF cũng cho biết trong bối cảnh mới của cuộc chiến chống khủng bố, Liên hợp quốc sẽ xem xét lại chiến lược toàn cầu chống khủng bố được Liên hợp quốc thông qua năm 2006./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.